8h30, Liu Ya bới gọn tóc, lấy mũ phẫu thuật đội lên đầu. Với sự giúp đỡ của đồng nghiệp, vị bác sĩ 38 tuổi khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ làm từ chì nặng tới 15 kg. Đôi chân hơi chút nặng nề, cô bước vào phòng phẫu thuật tại Bệnh viện Ung thư Trùng Khánh (Trung Quốc). Thi thoảng, thân hình bé nhỏ lại gồng lên.
Chuẩn bị xong xuôi, Liu bắt đầu ca mổ như đã lên kế hoạch từ hôm trước. Hơn một giờ trôi qua, cô kết thúc công việc, nhường phần còn lại cho bác sĩ gây mê. Vừa tập trung cao độ vừa di chuyển liên tục trong bộ đồ cồng kềnh, nữ bác sĩ kiệt sức thả người lên ghế. Thế nhưng, chỉ 10 phút, Liu đã phải đứng dậy, đi tắm và mặc bộ đồ bảo hộ mới. Ca phẫu thuật tiếp theo diễn ra sau 20 phút nữa.
Đồng nghiệp giúp Liu Ya mặc đồ bảo hộ trước giờ phẫu thuật. Ảnh: China Daily. |
Chia sẻ với China Daily, Mao Mingwei, Trưởng Khoa Hình ảnh Bệnh viện Ung thư Trùng Khánh cho biết quần áo bằng chì là trang bị cần thiết trong các ca mổ can thiệp bằng tia X, kỹ thuật xâm lấn tối thiểu buộc bác sĩ thao tác dưới bức xạ. Bộ đồ gồm mũ đội, kính, áo, găng tay, tạp dề, đồ lót nhưng lộ mặt, bắp chân và cánh tay để tránh cản trở cử động.
Tùy tình trạng bệnh nhân, ca mổ bằng tia X kéo dài 1-3 giờ. Suốt thời gian này, kíp mổ không được phép bỏ đồ bảo hộ bởi bức xạ liên tục được sử dụng.
Mức bức xạ tiếp xúc với phần thân thể được che chắn của bác sĩ tương đương 2-3 lần chụp X-quang ngực. Ở các khu vực khác, tỷ lệ này tăng lên 100 lần. Không biện pháp nào đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các bác sĩ. Đôi lúc, họ phải làm việc trong tình trạng không đồ bảo hộ. Hai năm trước, một bệnh nhân ung thư gan bất ngờ gặp biến chứng khiến Liu gấp rút quay lại phòng mổ đầy bức xạ mà chưa kịp mặc quần áo mới.
Liu phẫu thuật cho bệnh nhân trong phòng mổ. Ảnh: China Daily. |
Dưới tác động bức xạ, sức khỏe bác sĩ bị ảnh hưởng không nhỏ. Họ chỉ có khoảng 3.000-4.000 bạch cầu, thấp hơn so với ngưỡng 4.000-10.000 tế bào của người bình thường nên khó chống lại virus và rất dễ nhiễm trùng. Bên cạnh đó, bức xạ đẩy cao nguy cơ biến đổi tế bào dẫn đến dị tật thai nhi. Chính vì vậy, các bác sĩ phẫu thuật bằng tia X đều đã sinh con và từng làm việc tại khoa Hình ảnh. Chưa hết, tia X gây hại nhất cho buồng trứng cùng tuyến tiền liệt, buộc đội ngũ y tế mặc đồ lót bằng chì. Phòng mổ cũng được lắp cửa chì.
Để ghi lại lượng bức xạ hấp thụ, Liu cùng đồng nghiệp luôn mang theo một chiếc máy đo. Cứ mỗi 3 tháng, họ gửi máy tới Trung tâm Kiểm soát Bệnh dịch để đảm bảo lượng bức xạ không vượt quá quy định. Ngoài ra, các bác sĩ được yêu kiểm tra sức khỏe 2 năm một lần. Nếu số bạch cầu giảm xuống mức không an toàn, họ sẽ phải rời bỏ vị trí.
Liu Ya cởi khẩu trang chuẩn bị nghỉ ngơi sau khi kết thúc ca mổ. Ảnh: China Daily. |
Đối mặt với nguy hiểm hàng ngày, Liu không hề nản lòng. Nữ bác sĩ thừa nhận bị đè nặng bởi trách nhiệm cứu sống bệnh nhân song cũng có phần nhẹ nhàng vì đã trải qua những buổi phẫu thuật không đồ bảo hộ. Là một trong số 3 chuyên gia ít ỏi đảm nhận 400 ca mổ bằng tia X hàng năm tại Bệnh viện Ung thư Trùng Khánh, Liu sẽ tiếp tục cho đến khi không thể.
Minh Nguyên