Theo Telegraph, ca phẫu thuật kéo dài ba giờ diễn ra vào tháng trước tại Bệnh viện Nhi Texas (Mỹ). Bà bầu Lexi Royer 28 tuổi ban đầu được khuyên bỏ thai sau khi biết về bệnh trạng của em bé trong bụng mình. Cô không muốn chấm dứt sự sống của con như vậy mà chọn cách phẫu thuật mang tính đột phá này.
Dị tật nứt cột sống là tình trạng xương và tủy sống của đứa bé không phát triển bình thường bên trong tử cung mẹ, gây một lỗ hổng trên cột sống. Tình trạng này xảy ra trong thời kỳ đầu của thai kỳ, khi em bé khoảng 3 đến 4 tuần tuổi. Cứ 100.000 trẻ sơ sinh có 24 bé mắc bệnh trạng này. Khi chào đời, người bệnh bị tích tụ dịch ở não, không thể đi lại hay kiểm soát bàng quang.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật thai thi trên tử cung mẹ. Ảnh: Redux. |
Nguyên nhân chính xác của dị tật hiện chưa rõ, nhưng người ta cho rằng nó có liên quan chặt chẽ với việc thiếu acid folic trong giai đoạn đầu mang thai. Các chuyên gia y tế đã tiến hành phẫu thuật cho thai nhi để điều trị chứng nứt đốt sống từ những năm 90. Tuy không thể chữa lành bệnh nhưng cách phẫu thuật này có thể làm giảm các triệu chứng cho trẻ sau khi chào đời.
Nay, bác sĩ Michael Belfort, trưởng khoa sản Đại học Y Baylor, và bác sĩ nhi William Whitehead đã phát triển một kỹ thuật mới, có thể cải thiện đáng kể tình trạng bệnh cho trẻ. Họ phẫu thuật mở ổ bụng người mẹ, nhẹ nhàng nhấc tử cung ra và chọc hai lỗ nhỏ trên tử cung. Nước ối bên trong chảy hết ra ngoài trước khi bác sĩ bắt đầu phẫu thuật em bé nằm trong tử cung.
Các bác sĩ bơm carbon dioxide vào trong tử cung để giữ cho thai nhi lơ lửng như thể vẫn đang nằm trong túi ối và tiêm thuốc gây mê để duy trì sự sống cho bé. Một lỗ nhỏ đã chọc trên tử cung dùng để luồn kính viễn vọng gắn camera, đèn chiếu vào trong, lỗ còn lại để đưa các thiết bị y tế vào. Mổ xong, các bác sĩ bơm nước muối vào tử cung rồi đặt trở lại cơ thể người mẹ, để cô tiếp tục thai kỳ như bình thường.
Để hoàn thành ca phẫu thuật đặc biệt này, tiến sĩ Belfort và cộng sự đã trải qua hai năm tập luyện trên cừu với một quả bóng cao su và một con búp bê bọc trong da gà. Đến nay, phương pháp trên đã được thực hiện cho 28 thai phụ, không có bào thai nào chết và đều có kết quả tích cực. Em bé của Lexi dự kiến chào đời vào tháng 1/2018.
Tiến sĩ Belfort đang đào tạo kỹ thuật mới này cho các đồng nghiệp tại Đại học Stanford. Tuy nhiên một số bác sĩ cảnh báo rằng bơm carbon dioxide vào tử cung trong quá trình phẫu thuật có thể gây hại cho em bé và gây ra các vấn đề thần kinh trong cuộc sống sau này. Tuy nhiên, tiến sĩ Katie Morris, giảng viên Đại học Birmingham, nói rằng phụ nữ ở Anh vẫn phẫu thuật bằng phương pháp này vì có nhiều bằng chứng cho thấy kỹ thuật mới này là an toàn.
Thai nhi nghịch ngợm khiến bụng mẹ biến dạng