Home » Khỏe và đẹp » Bác sĩ quyết mổ mắt cho bệnh nhân sắp chết làm dấy lên tranh cãi

Bác sĩ quyết mổ mắt cho bệnh nhân sắp chết làm dấy lên tranh cãi

Vincent Thomas đã chiến đấu với chứng đa u tủy xương một thời gian và trải qua vô số lần điều trị. Căn bệnh không chịu dừng lại, người đàn ông 58 tuổi cùng gia đình quyết định chuyển đến viện chăm sóc đặc biệt, nơi dành cho các bệnh nhân còn chưa đầy sáu tháng để sống. 

Tuy nhiên, có một vấn đề nảy ra. Bị đục thủy tinh thể cả hai mắt, Thomas không thể nhìn thấy thân nhân hay tự lái xe đến gặp bác sĩ. Từng vô cùng độc lập và mạnh mẽ, ông giờ đây phải nhờ người khác cắt hộ thức ăn. 

Mong muốn cuối cùng của Thomas là được ngắm gia đình. Dù thời gian sống chỉ vỏn vẹn vài tuần, ông vẫn đề nghị đội ngũ y tế phẫu thuật đục thủy tinh thể.

Tại Bệnh viện Michigan, Thomas trở thành chủ đề gây tranh cãi. Một số bác sĩ như Julie Rosenthal cho rằng đục thủy tinh thể là vấn đề rất dễ điều trị và phổ biến nên có thể tiến hành cho bệnh nhân. Trong khi đó, nhiều chuyên gia lập luận Thomas đã quá gần cái chết nên sẽ không tận dụng được ca phẫu thuật, chưa kể gánh nặng chi phí bảo hiểm phải thanh toán. Bác sĩ chữa ung thư của Thomas cũng tỏ ra lo ngại về tình trạng sức khỏe bệnh nhân. 

Sau cuộc thảo luận với bệnh viện, Thomas vẫn quyết tâm phẫu thuật. Sau ca mổ, ông nhanh chóng lấy lại khả năng tự chăm sóc. Ông lái xe đến gặp bác sĩ, đi họp mặt gia đình và chơi đùa với các cháu. Vài tuần sau, Thomas trút hơi thở cuối cùng.

Ảnh minh họa: workingnurse.

Ảnh minh họa: workingnurse.

Chia sẻ trên NPR, bác sĩ Julie tự hỏi không biết mình cùng các đồng nghiệp có đúng khi tiến hành phẫu thuật hay chỉ đơn thuần là tăng thêm khoản tiền bảo hiểm phải trả. Trên thực tế, trước khi bệnh nhân ung thư qua đời, các bác sĩ Mỹ thường sử dụng những loại thuốc đắt đỏ hoặc thủ thuật gây đau đớn để kéo dài sự sống. “Nỗ lực ấy thật ra vô cùng tốn kém, mệt mỏi mà chỉ thêm được vài tháng ngắn ngủi”, bác sĩ Julie nhận định.

Đặc biệt, đối với bệnh nhân đa u tủy xương như Thomas, điều trị ung thư và tác dụng phụ có thể “ngốn” từ 125.000 tới 256.000 USD, gấp hàng chục lần so với tiền phẫu thuật đục thủy tinh thể chưa đầy 3.000 USD.

Nancy Berlinger, học giả nghiên cứu từ Viện Hastings tỏ ra ngạc nhiên khi trường hợp của ông Thomas làm dấy lên tranh luận. Bà nhấn mạnh phẫu thuật thủy tinh thể nhanh gọn và giúp chuỗi ngày cuối cùng của bệnh nhân trở nên ý nghĩa. Hơn nữa, một câu hỏi mà đội ngũ y tế không được phép quên khi chăm sóc bệnh nhân ung thư hấp hối là: “Bạn muốn dành phần đời còn lại như thế nào?”. 

Aron Rose, chuyên gia nhãn khoa từ Đại học Yale lại đánh giá việc tiến hành phẫu thuật đục thủy tinh thể cho Thomas là “thiếu suy nghĩ”. Ông thậm chí còn khẳng định dạng can thiệp này không thể áp dụng rộng rãi, nhất là ở những nơi thiếu thốn cơ sở vật chất. “Tại Myanmar, chắc chắn tôi từ chối cho phẫu thuật bởi như vậy có nghĩa trẻ em hoặc người còn đến 30-40 năm để sống không được điều trị”, bác sĩ Rose lý giải.

Cuối cùng, về phần mình, bác sĩ Julie tin rằng quyết định phẫu thuật thủy tinh thể hoàn toàn đúng đắn. Không chỉ tiết kiệm chi phí, ca mổ còn thay đổi hoàn toàn thời gian ít ỏi còn lại của Thomas. India Haashim, con gái Thomas cũng hy vọng các bệnh nhân như cha mình có cơ hội “trải nghiệm những ngày cuối cùng thật vui vẻ”.

“Chúng tôi cố gắng một cách phi thường để kéo dài sự sống nhưng còn việc giúp quãng đời của bệnh nhân trở nên tươi đẹp và kết thúc thật ý nghĩa thì sao?”, bác sĩ Julie tâm sự. “Với tư cách một thầy thuốc đã chứng kiến sự khác biệt mà ca phẫu thuật đem lại, tôi nghĩ rằng chẳng còn điều gì quý giá với Thomas hơn là ánh sáng của đôi mắt”.

Minh Nguyên