Bác sĩ Eav Sokha, Giám đốc Bệnh viện Calmette cho biết đây là nhóm y bác sĩ đầu tiên của Campuchia được đào tạo hoàn chỉnh về kỹ thuật ghép tế bào gốc. Sau 5 tháng học tập cả lý thuyết lẫn thực hành tại TP HCM, ê kíp gồm 3 bác sĩ, 2 điều dưỡng, 1 kỹ thuật viên này sẽ trở thành nhóm hạt nhân thực hiện ca ghép tế bào gốc đầu tiên tại xứ sở Chùa Tháp trong năm tới.
Theo bác sĩ Eav Sokha, bệnh nhân mắc các bệnh về huyết học của Campuchia chưa từng được hưởng kỹ thuật ghép tế bào gốc để trị bệnh. Các bác sĩ đã từng học tại nhiều nước châu Âu nhưng khi trở về chỉ chủ yếu thực hiện hóa trị liệu cho bệnh nhân. Qua sự giới thiệu của Hội ghép tế bào gốc tạo máu châu Á, Bệnh viện Calmette đã cân nhắc giữa nhiều quốc gia và quyết định nhận chuyển giao kỹ thuật từ Việt Nam vì khoảng cách địa lý gần gũi và tin tưởng vào tay nghề của đội ngũ y bác sĩ Việt.
Bác sĩ Phù Chí Dũng trực tiếp tham gia giảng dạy y bác sĩ Campuchia. Ảnh: T.T |
Bác sĩ chuyên khoa 2 Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM suốt 5 tháng qua, bệnh viện đã chuyển giao các kỹ thuật cơ bản về tự ghép cũng như dị ghép để điều trị nhiều bệnh máu ác tính, cách chọn lựa người cho tế bào gốc, chẩn đoán điều trị biến chứng trong và sau ghép, dinh dưỡng, vật lý trị liệu…
“Việt Nam đang hỗ trợ Campuchia trong quá trình hoàn thiện trang thiết bị, cơ sở vật chất và sẽ đưa bác sĩ sang cùng thực hiện ca ghép đầu tiên”, bác sĩ Dũng chia sẻ. Việt Nam sẽ tiếp tục sát cánh cùng các y bác sĩ nước láng giềng trong quá trình thành lập ngân hàng tế bào gốc, triển khai các kỹ thuật xét nghiệm, điều trị bệnh phức tạp hơn sau này.
Với kinh nghiệm 21 năm thực hiện ghép tế bào gốc, đứng đầu cả nước về số ca thực hiện, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM đã chuyển giao kỹ thuật cho nhiều bệnh viện trong nước nhưng đây là lần đầu tiên chuyển giao cho nước ngoài, giảng dạy bằng tiếng Anh. Nơi đây đã thực hiện được đầy đủ các kỹ thuật mới nhất của thế giới, ghép 3 loại tế bào gốc là tủy xương, máu cuống rốn, máu ngoại vi. Sự tin tưởng của nước bạn đã giúp nâng tầm Việt Nam lên cao hơn trong khu vực và châu Á, giúp rút dần khoảng cách với các nước lớn.
Các y bác sĩ Campuchia trong quá trình học tập. Ảnh: T.T |
Ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị triệt để nhất, là cơ hội duy nhất giúp bệnh nhân máu ác tính cũng như lành tính có thể khỏi bệnh và trở về cuộc sống bình thường. Nam bệnh nhân ghép tủy xương đầu tiên vào năm 1995 sau khi hồi phục đã quay trở lại với công việc thợ may, lập gia đình, sinh 2 con khỏe mạnh. Năm 2002, bệnh viện thực hiện ca ghép máu cuống rốn đầu tiên Việt Nam. Tháng 4/2013, ca dị ghép nửa thuận hợp HLA đầu tiên thành công. Hiện bệnh viện là nơi duy nhất cả nước thực hiện kỹ thuật phức tạp này, đã ghép được 7 trường hợp.