Bé từng nhập viện cấp cứu vì xuất huyết tiêu hóa ồ ạt do hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Bệnh cảnh này khiến máu không vào gan được mà thoát ra bằng hệ thống tĩnh mạch bàng hệ nối với tĩnh mạch thực quản, dạ dày, dẫn đến phình ứ và có thể vỡ gây xuất huyết tiêu hóa, tử vong bất kỳ lúc nào.
Bác sĩ Trần Thanh Trí, Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp cho biết bệnh nhi này may mắn hơn các trường hợp cùng cảnh ngộ vì cửa tĩnh mạch rốn gần gan của cháu bé từ thời kỳ bào thai vẫn còn tồn tại, thay vì bị bít tắc sau lúc chào đời như thông thường. Do đó sau khi khảo sát, các bác sĩ đã áp dụng kỹ thuật nối trực tiếp tĩnh mạch này vào gan. Phương pháp này giúp giải quyết gần như triệt để tình trạng bệnh.
“Trường hợp may mắn như bé rất hiếm và đòi hỏi bác sĩ phải có kinh nghiệm, chủ đích đi tìm để phát hiện ra sự may mắn đó”, bác sĩ Trí chia sẻ. Nếu đoạn tĩnh mạch rốn trong thời kỳ bào thai bệnh nhân bị đóng lại, phương pháp phẫu thuật này sẽ không thể thực hiện. Kỹ thuật này cũng đòi hỏi phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm về ghép gan nên hiện Việt Nam hầu như vẫn chưa có nơi nào triển khai thực hiện.
Cuộc mổ được sự hỗ trợ của giáo sư người Bỉ Raymond Reding nhân dịp ông sang giúp Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện ca ghép gan thứ 10. Sau mổ 5 ngày, cháu bé hiện hồi phục ổn định, ăn uống tốt. Tiên lượng bé sẽ trở về cuộc sống như một trẻ bình thường.
Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật. Ảnh: T.P |
Hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa do tắc tĩnh mạch cửa trước gan là thách thức lớn đối với các bác sĩ ngoại nhi. Hiện Bệnh viện Nhi đồng 2 có khoảng 10 bệnh nhân đang chờ phẫu thuật vì những năm qua vẫn chưa có cách điều trị thật sự hiệu quả. Mới đây, giáo sư Nhật cũng đã hỗ trợ chuyển giao phương pháp nối tĩnh mạch cửa với tĩnh mạch chủ dưới như một giải pháp tạm thời giúp cứu bệnh nhi khỏi nguy cơ đột tử.
Lê Phương