Ngày 16/2, khoa Khám bệnh Cấp cứu lưu, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận bé gái 4 tuổi người dân tộc Tày, trong tình trạng bị bỏng nước sôi nặng.
Trẻ bị bỏng ở vùng ngực, bụng, hai tay và đùi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp. |
Trẻ bị ngã vào nước sôi, xuất hiện tổn thương tấy đỏ, phỏng rộp vùng cổ ngực, bụng, tay hai bên, đau rát. Gia đình đưa con đến Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu, sau khi sơ cứu, bé được chuyển thẳng lên Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Trẻ bị bỏng nặng độ 1-3, diện tích bỏng rộng 46% vùng ngực, bụng, hai tay và đùi, tiên lượng nặng. Bé được đưa ngay vào phòng mổ cấp cứu.
Trong gần một giờ phẫu thuật, các bác sĩ cắt lọc, loại bỏ dị vật vảy da, vảy tiết trên cơ thể, vệ sinh làm sạch vùng bỏng, cắt lọc da chết, sau đó băng toàn bộ diện bỏng cho bé. Hiện sức khỏe bệnh nhi ổn định, được theo dõi và chăm sóc đặc biệt tại khoa Gây mê hồi tỉnh của bệnh viện.
Bác sĩ Nguyễn Kim Hiếu khuyến cáo người lớn cần tuyệt đối thận trọng khi chăm sóc trẻ. Không treo hoặc để bất kỳ vật dụng nào phía trên vị trí đặt nôi hoặc giường cho bé nằm. Không để phích nước sôi, ổ cắm điện trong tầm tay của trẻ. Bé đã biết đi tuyệt đối không cho xuống khu vực bếp nấu ăn vì lửa và thức ăn nóng luôn là hiểm họa không lường đối với trẻ.
Khi trẻ không may bị bỏng thì cần bình tĩnh nhanh chóng đưa đến vòi nước xối rửa, không xối nước đá hoặc nước lạnh, nhằm làm cho da bớt nóng, ít bị mất nước và giảm đau, giảm diện tích da bị thương và giảm độ nặng của tổn thương bỏng. Sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ khám, đánh giá tình trạng bỏng và có hướng xử trí thích hợp. Bé không được sơ cứu kịp thời có thể khiến vết thương nhiễm trùng, lâu lành, thành thương tật vĩnh viễn.
Hà An