Em bé vừa chào đời đã có sẵn 2 chiếc răng hàm dưới. Ảnh: TT. |
Sản phụ 27 tuổi ngụ tại quận Tân Phú, TP HCM, cho biết cả nhà vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi thấy con vừa chào đời đã được ”khuyến mãi” 2 răng cửa hàm dưới. Người phụ nữ chia sẻ đây là đứa con đầu lòng, từ khi biết tin vui đã chủ động đi khám dưỡng thai định kỳ. Bác sĩ chẩn đoán chị bị giảm tiểu cầu, có nguy cơ băng huyết khi sinh nên cần theo dõi sát.
Sản phụ 8x sinh thường ở tuần thai thứ 29, bé gái nặng 3,1 kg, sức khỏe hoàn toàn bình thường. ”Chỉ có điều ngạc nhiên là bé vừa chào đời đã mọc nhú 2 răng cửa hàm dưới”, bà mẹ trẻ chia sẻ.
Trực tiếp đỡ sinh ca này, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, giảng viên khoa Phụ sản, trường ĐH Y Dược TP HCM cho biết, trong suốt quá trình mang thai, thai phụ được theo dõi rất sát, thai nhi phát triển bình thường. Xét nghiệm máu cho thấy thai phụ bị giảm tiểu cầu, có nguy cơ băng huyết khi sinh. May mắn, quá trình vượt cạn không xảy ra biến chứng gì, song điều khiến mọi người ngạc nhiên là bé vừa mở miệng khóc đã thấy có 2 răng cửa hàm dưới. Đây là trường hợp bé sơ sinh có răng đầu tiên bác sĩ Trung gặp trong suốt gần 20 năm công tác. Trước đó, một số bệnh viện phụ sản ở TP HCM đã ghi nhận vài trường hợp tương tự.
Theo bác sĩ, thông thường răng của trẻ bắt đầu phát triển từ giai đoạn phôi thai nhưng khi đó chỉ là mầm răng chứ chưa phát triển thành răng hoàn chỉnh. Sau khi sinh và lớn lên, bé mới bắt đầu quá trình mọc răng. Có sự khác nhau về thời gian mọc răng giữa bé trai và bé gái. Một số trường hợp trẻ mọc răng sớm hơn hoặc muộn hơn bình thường. Tuy nhiên, mọc răng ngay khi vừa chào đời là trường hợp hiếm gặp, với tỷ lệ là 1/2.000 ca sơ sinh.
”Thông thường, trẻ mọc răng trong khoảng từ 4 đến 8 tháng tuổi với 2 chiếc răng đầu tiên là 2 răng cửa hàm dưới. Việc trẻ mọc răng sớm hay muộn là hoàn toàn bình thường, không phải bệnh lý”, bác sĩ nói.
Các nghiên cứu cho thấy thời gian mọc răng của trẻ phụ thuộc vào yếu tố di truyền từ bố và mẹ. Bên cạnh đó còn do chất dinh dưỡng, trường hợp không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng, bé trẻ có thể mọc răng chậm hơn bình thường. Việc mọc răng sớm hay muộn không ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, do vậy phụ huynh không nên lo lắng, theo bác sĩ Trung.