Home » Khỏe và đẹp » Bé gái cong cột sống 111 độ

Bé gái cong cột sống 111 độ

Dáng đi của bé Mai nhiều năm nay lệch và cong rất nhiều sang một bên do tình trạng vẹo cột sống ngực nặng. Bé bị đau lưng nhiều, chức năng phổi cũng bị hạn chế nên sinh hoạt, vui chơi thường ngày yếu hơn các bạn cùng trang lứa. Bé phát hiện bệnh đã lâu nhưng người nhà không có điều kiện phẫu thuật sớm.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Trung, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM cho biết đây là một ca rất nặng. Góc vẹo tại đoạn cong chính của cột sống lên đến 111 độ, kèm theo dị tật trong tủy sống cổ là bệnh rỗng tủy. Nắn chỉnh một trường hợp vẹo nặng đã khó, dễ xảy ra các biến chứng liệt sau mổ, trường hợp này dị tật tủy sống kèm theo càng khiến ca mổ đối diện nhiều nguy nan.

Suốt 2 tuần trước khi bé mổ, các bác sĩ sử dụng cách kéo liên tục qua vòng đầu Halo, tăng trọng lượng kéo dần để giảm độ cong cột sống. Bệnh nhi cũng được kiểm tra chức năng gan, thận, tim, phổi, tập vật lý trị liệu hô hấp, điều trị dinh dưỡng để có đủ sức khoẻ bước vào ca mổ.

Bé Mai được đặt vòng Halo kéo tạ tăng dần 2 tuần trước mổ. Ảnh: B.V

Bé Mai được đặt vòng Halo kéo tạ tăng dần 2 tuần trước mổ. Ảnh: B.V

Ngày 13/12, bác sĩ Vũ Viết Chính, Trưởng Đơn vị Cột sống Nhi và kíp mổ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi. Các bác sĩ kết hợp sử dụng hệ thống theo dõi về thần kinh, tủy sống trong cuộc mổ. Đây là một phương tiện mới được áp dụng giúp kiểm soát tình hình và đảm bảo an toàn lúc phẫu thuật, giảm nguy cơ biến chứng liệt.

Nguy cơ mất máu đối với bệnh này rất lớn do biến dạng nặng, cuộc mổ kéo dài nên kíp mổ sử dụng thiết bị truyền máu hoàn hồi, lọc và dùng lại chính máu của bệnh nhân để hạn chế truyền máu lạ. Cuộc mổ thành công sau 5 giờ căng thẳng. Ba ngày sau mổ, bệnh nhi đi đứng được và xuất viện khỏe mạnh với dáng đi thẳng.

Cột sống bệnh nhi cong vẹo trước mổ (bên trái) và được nắn chỉnh sau mổ. Ảnh: B.V

Cột sống bệnh nhi cong vẹo trước mổ (bên trái) và được nắn chỉnh sau mổ.

Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Trung, vẹo cột sống gặp khoảng 3% các trẻ em nói chung. Trong đó vẹo cột sống vô căn, không rõ nguyên nhân chiếm khoảng 90% và thường gặp ở trẻ nữ với tỷ lệ 10 nữ, một nam. Bệnh viện thực hiện phẫu thuật cho khoảng 2-3 trường hợp vẹo cột sống mỗi tuần.

Bệnh nhân vẹo cột sống cần được phát hiện sớm và theo dõi giúp hướng dẫn bé tập vật lý trị liệu, thể thao, giữ đúng tư thế sinh hoạt nhằm làm chậm diễn tiến bệnh. Việc theo dõi tốt còn giúp chọn lựa thời điểm phẫu thuật kịp thời, hiệu quả, an toàn hơn để đến lúc vẹo nặng.

Lê Phương