Home » Khỏe và đẹp » Bé gái ung thư nguy kịch bởi bệnh thủy đậu

Bé gái ung thư nguy kịch bởi bệnh thủy đậu

Bệnh nhi đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong tình trạng rất nặng. Bé bị viêm phổi, suy đa tạng, nhiễm khuẩn huyết trên nền bệnh u lympho không Hodgkin đã điều trị hóa chất.

Mắc bệnh thủy đậu trên nền sức đề kháng suy giảm khiến bệnh trẻ càng nặng hơn. Ảnh: Lê Thủy.  

Bé gái đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Lê Thủy.  

Phát hiện bệnh u lympho T từ tháng 9/2015, bệnh nhi trải qua liệu trình điều trị hóa chất gồm nhiều đợt. Sau hơn 3 năm, cô bé đã qua giai đoạn tấn công, hiện chỉ điều trị duy trì. Tuy nhiên mắc bệnh thủy đậu trong khi sức khỏe còn yếu sau những đợt truyền hóa chất, sức đề kháng suy giảm khiến bệnh của em càng nặng hơn.

Thủy đậu là bệnh cấp tính do virus varicella zoster gây ra. Mầm bệnh luôn tồn tại nên lúc nào trẻ em, thậm chí người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh. Bệnh dễ thành dịch do lây qua đường hô hấp, thường bùng phát vào mùa đông xuân khi thời tiết ấm. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường xảy ra với người có hệ miễn dịch yếu hoặc chưa hoàn thiện.

Đây là bệnh lành tính, người bệnh thường khỏi sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể gây những biến chứng nặng như bệnh nhi trên. Bội nhiễm là biến chứng hay gặp nhất của bệnh thủy đậu, virus có thể xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng huyết. Ngoài ra, còn các biến chứng khác như viêm phổi, não, tiểu não…

Theo tiến sĩ Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), mới đầu người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân trong vòng 12-24 giờ. Bệnh xuất hiện sau 10-14 ngày tiếp xúc với nguồn bệnh. Thời kỳ lây truyền của bệnh 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bỏng nước đầu tiên.

Bệnh kéo dài 7-10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt bỏng nước sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi bỏng nước, không để lại sẹo. Tuy nhiên, nếu bị nhiễm trùng nốt bỏng nước có thể để lại sẹo.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần cách ly bé với những người khác chưa có miễn dịch. Tốt nhất là cho trẻ nghỉ học đến khi khỏi hẳn để tránh lây lan. Cha mẹ khi chăm sóc trẻ cũng cần chú ý để tránh không bị lây bệnh. Những đồ dùng như quần áo, khăn mặt của người bệnh cần được ngâm giặt bằng xà phòng, phơi nắng, là ủi. Người lớn có thể lây bệnh của trẻ hoặc trở thành trung gian truyền bệnh.

Phương Trang