Bé quê Bình Thuận đột nhiên bị sưng đỏ mắt bên phải, điều trị tại bệnh viện địa phương không thuyên giảm nên được gia đình đưa vào Bệnh viện Mắt TP HCM. Bác sĩ mắt khám cho bé chẩn đoán nguyên nhân do vấn đề ở tai mũi họng. Bé sinh thường đủ tháng nhưng khá nhẹ cân, chỉ nặng 9 kg. Bé bị viêm mũi xoang từ lúc 6 tháng tuổi, điều trị bằng thuốc nhưng tái phát liên tục.
Bác sĩ Nguyễn Minh Hảo Hớn, Phó Khoa Mũi Xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM cho biết khi vào viện mắt phải của bé sưng rất to, đầy mủ, con ngươi như bị đẩy ra khỏi hốc mắt. Phim chụp CT phát hiện một ổ áp xe lớn ở mắt phải là biến chứng do viêm xoang, công thức máu tăng ở mức báo động. Các bác sĩ quyết định mổ cấp cứu vì nếu không dẫn lưu mủ kịp thời trong 24-48 giờ bé có thể bị mù hoặc nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong.
Bác sĩ phẫu thuật cho bé. Ảnh: B.V. |
Theo bác sĩ Hớn, đây là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất bị biến chứng ổ mắt do viêm xoang trong 10 năm qua tại bệnh viện. Bé còn quá nhỏ nên ca phẫu thuật gặp nhiều khó khăn khi thao tác, gây mê. Sau khi thận trọng mở xoang, các bác sĩ đã dẫn lưu khối mủ khổng lồ ra ngoài cho bệnh nhi.
“Hệ thống xoang của em bé phát triển chưa hoàn chỉnh, khi mổ nếu không cẩn thận có thể gây tổn thương nhiều cơ quan khác, nhất là mắt”, bác sĩ Hớn nói. Sau mổ, bé hồi phục thị lực, hết sưng đau.
Mắt bệnh nhi trước và sau phẫu thuật. Ảnh: T.P |
Tiến sĩ Trần Phan Chung Thủy, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM cho biết biến chứng ổ mắt do viêm xoang thường gặp ở trẻ em hơn là người lớn vì mô xung quanh xoang còn lỏng lẻo, sức đề kháng kém. Khi trẻ bị viêm xoang lâu ngày, mạn tính, nếu không xử lý kịp thời có thể phát mủ nhanh. Biến chứng thường gặp ở ổ mắt, viêm màng não, áp xe não, biến chứng đường hô hấp dưới như viêm họng, amidan, viêm phổi phế quản…
Bệnh nhân viêm xoang cần được điều trị chuyên khoa, không tự động ngưng thuốc khi tình trạng đau có thuyên giảm, tái khám đầy đủ.