Home » Khỏe và đẹp » Bé trai bị cắt thùy phổi do nuốt bóng đèn

Bé trai bị cắt thùy phổi do nuốt bóng đèn

Một năm trước bé trai 6 tuổi quê Tiền Giang nuốt bóng đèn led đồ chơi mà người nhà không biết. Bé ho khò khè tái phát thường xuyên, được bác sĩ cho uống thuốc nhiều lần không đỡ. Gần đây tình trạng trở nặng, bé khó thở, ho đàm, ói vài lần trong ngày.

Ngày 19/12, bé được đưa tới Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), kết quả chụp X-quang ngực phát hiện dị vật đường thở. Các bác sĩ tiến hành nội soi nhưng không thể gắp được dị vật. Nội soi lần hai không nhìn thấy dị vật, bác sĩ phải chụp CT lại để xác định vị trí dị vật. Sau khi hội chẩn, bệnh nhi được mổ mở ngực để thám sát dị vật kết hợp nội soi trong lòng phế quản.

Bé trai đang hồi phục sau mổ. Ảnh: Lê Phương.

Bé trai đang hồi phục sau mổ. Ảnh: Lê Phương.

Bác sĩ Nguyễn Kinh Bang, Phó Khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết khi mổ vào khoang màng phổi thấy thùy dưới phổi phải của bé bị viêm xẹp gần như hoàn toàn. Kiểm tra bằng tay sờ thấy dị vật trong lòng phế quản. Dị vật dính vào niêm mạc đường thở gây tổn thuơng thủng phế quản. Đồng thời dị vật đi ra ngoài nhu mô phổi tạo thành ổ nhiễm trùng lớn. Cách duy nhất là phải cắt thùy dưới phổi phải mới lấy được dị vật và xử trí được ổ nhiễm trùng. 

“Nếu dị vật phát hiện sớm, chưa biến chứng nhiễm trùng thì khả năng lấy được qua nội soi rất cao, bệnh nhi không phải trải cuộc mổ hở lớn với nhiều nguy cơ và phải cắt bỏ một phần thùy dưới phổi phải”, bác sĩ Bang phân tích. Về lâu dài, việc mổ ngực có thể gây biến dạng lồng ngực, biến chứng vẹo cột sống…

Chiếc đèn led được lấy ra ngoài. Ảnh bệnh viện cung cấp.

Chiếc đèn led được lấy ra ngoài. Ảnh bệnh viện cung cấp.

Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo, dị vật rơi vào đường thở sẽ gây cơn ho sặc sụa tím tái, khó thở, gọi là hội chứng xâm nhập. Nếu dị vật bỏ quên thuờng gây viêm phổi tái đi tá lại. Phụ huynh cần lưu ý phát hiện sớm trẻ nuốt dị vật, xử trí kịp thời để tránh hậu quả đáng tiếc. 

Lê Phương