Bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM cho biết bệnh viện đang nhanh chóng cấp phát thuốc Glivec cho bệnh nhân trong hôm nay. Đây là bệnh viện đầu tiên cả nước tiếp nhận thuốc viện trợ sau thời gian hết thuốc.
Bệnh viện Ung bướu TP HCM dự kiến có thuốc trong vài ngày tới. Bệnh viện Chợ Rẫy hiện đã nhận được văn bản cho phép tiếp nhận về mặt kỹ thuật nhưng còn chờ văn bản của Bộ Tài chính về thuế để nhận thuốc. Nếu bệnh viện tự nhận thuốc viện trợ mà không có văn bản phê duyệt miễn thuế thì phải nộp khoảng 10 tỷ đồng.
Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM sẽ cho Bệnh viện Chợ Rẫy và Ung bướu TP HCM mượn thuốc để cấp phát cho bệnh nhân trong lúc chờ đợi thủ tục.
Quầy cấp phát thuốc viện trợ Glivec tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM. Ảnh: Lê Phương. |
Theo chương trình VPAP, bệnh nhân mắc bạch cầu mạn dòng tủy tại Việt Nam được viện trợ miễn phí 60% thuốc Glivec (thuốc điều trị trúng đích), bảo hiểm chi trả 40%. Vướng mắc nảy sinh khi nghị định số 54 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/7/2017, quy định hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc viện trợ, viện trợ nhân đạo phải đầy đủ như một hồ sơ xin cấp giấy phép lưu hành sản phẩm.
Việc thẩm định hồ sơ cũng phải thực hiện đúng trình tự và thời gian theo quy định. Do đó từ đầu năm 2018, nhiều người bệnh ung thư không có thuốc viện trợ để uống, chỉ nhận phần thuốc bảo hiểm. Để tháo gỡ Chính phủ đồng ý cho các cơ sở tiếp nhận thuốc viện trợ với hồ sơ nhập khẩu thực hiện theo quy định cũ.
Viện Huyết học Truyền máu Trung ương được tiếp nhận 247.440 hộp Glivec, Bệnh viện Chợ Rẫy 1.888 hộp, Bệnh viện Ung bướu TP HCM 1.603 hộp và Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM 4.804 hộp. Các bệnh viện khác đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ để sớm tiếp nhận nguồn thuốc viện trợ.