Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Nội tiết Trung ương cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp, mất nước nặng, huyết áp tụt, nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp. Ngay lập tức, các bác sĩ cho bệnh nhân thở máy hỗ trợ, truyền dịch nhanh qua hai đường truyền tĩnh mạch ngoại biên để nâng huyết áp.
Mức đường huyết của bệnh nhân tăng cao lên đến 62 mmol/L, trong khi chỉ số bình thường chỉ 3,9-7 mmol/L. Ảnh: B.V. |
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Phó khoa Cấp cứu Bệnh viện, đây là trường hợp tăng đường huyết hiếm gặp đối với người bị đái tháo đường vì đường máu của bệnh nhân lúc vào viện tăng cao lên đến 62 mmol/L, tăng áp lực thẩm thấu máu, suy gan, suy thận, toan chuyển hóa nặng, rối loạn điện giải, nguy cơ tử vong cao nếu không được xử trí kịp thời. Bệnh nhân điều trị đái tháo đường đã 17 năm, song vừa tự ý bỏ không uống thuốc hoàn toàn trong 7 ngày khiến đường huyết tăng cao không thể kiểm soát.
Sau 10 giờ cấp cứu, tình trạng bệnh nhân bắt đầu tiến triển. Tình trạng suy hô hấp có cải thiện, huyết áp dần ổn định, chức năng thận cải thiện. Hiện bệnh nhân đã xuất viện, các thông số về đường huyết, chức năng gan, thận, điện giải, huyết động trở về bình thường.
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, không được tự ý bỏ thuốc tiêm insulin và thuốc uống. Nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu bất thường trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều chỉnh thuốc.
Ngoài ra, những người có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường phải thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục đều đặn, đặc biệt phải khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện sớm bệnh.