Chiều 4/10, đại diện Bộ Y tế đã làm việc với lãnh đạo Bệnh viện K Trung ương cơ sở Tân Triều về bệnh nhân tử vong sau tiêm thuốc cản quang. Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê gửi lời chia buồn tới gia đình người bệnh.
Đoàn công tác Bộ Y tế làm việc tại Bệnh viện K chiều 4/10. Ảnh: L. H. |
Cục trưởng Khuê cho rằng ca tử vong là sự cố đáng tiếc và hy hữu, hiếm xảy ra tại khoa chẩn đoán hình ảnh. Dù vậy, ông cũng đề nghị bệnh viện rút kinh nghiệm, rà soát lại quy trình chuyên môn. Bệnh viện cần thực hiện nhanh công tác kiểm thảo tử vong và phối hợp chặt chẽ với cơ quan pháp y, gửi báo cáo về Bộ Y tế.
Ngày 29/9, nghi ngờ ung thư tái phát, nữ bệnh nhân 45 tuổi ở Nghệ An được tiêm thuốc cản quang ultravist 80 ml tại Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện K Trung ương để chụp cắt lớp vi tính bụng -tiểu khung. Sau khi chụp xong, bệnh nhân được theo dõi tại khoa. Khoảng 10 phút sau, bệnh nhân đột ngột tức ngực, khó thở, da ngứa, mẩn đỏ, phù nề, khó thở… Xác định bệnh nhân bị sốc phản vệ do thuốc cản quang, các bác sĩ cấp cứu ngay. Sau năm giờ cấp cứu, bệnh nhân tỉnh nhưng tình trạng vẫn nặng. Sáng 30/9, bệnh nhân diễn biến xấu, được cấp cứu hô hấp tuần hoàn nhưng không cải thiện và tử vong sau đó.
Nguyên nhân bệnh nhân tử vong bước đầu được xác định là sốc phản vệ do thuốc cản quang tĩnh mạch không hồi phục trên nền theo dõi ung thư cổ tử cung tái phát.
Thuốc cản quang là thuốc được tiêm vào cơ thể để làm tăng khả năng thấy rõ tổn thương khi chụp X-quang, CT scanner, MRI. Theo một thống kê quốc tế, tỷ lệ sốc phản vệ do thuốc cản quang ultravist dùng trong chẩn đoán hình ảnh là 10 trong số 1.142 bệnh nhân, trong đó có bảy người tử vong trong vòng năm ngày sau xuất hiện sốc. Hiện nay, số bệnh nhân có chỉ định tiêm thuốc cản quang trong chẩn đoán hình ảnh tăng nên tần suất bị sốc phản vệ do thuốc cản quang nói chung và ultravist nói riêng tăng. Nhiều trường hợp dù phát hiện sớm, xử trí chính xác và kịp thời cũng không tránh khỏi tử vong.
Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Quang, Bệnh viện K Trung ương, sốc phản vệ là phản ứng dị ứng hệ thống cấp, nguy kịch và dễ nguy cơ tử vong, phát sinh khi có sự xâm nhập của dị nguyên vào cơ thể. Nó có đặc điểm tăng tính thấm thành mạch, phù nề, xuất tiết niêm mạc và co thắt cơ trơn (phế quản và ruột) dẫn đến truỵ tim mạch, suy hô hấp và rất dễ gây tử vong.
Sốc phản vệ pha hai là sốc phản vệ tái phát sau khi hết triệu chứng ban đầu mà không tiếp xúc lại với chất gây dị ứng, chiếm khoảng 20% trường hợp sốc phản vệ. Sốc phản vệ pha hai thường quay lại sau 1-8 giờ, có thể kéo dài 5-32 giờ. Độ nặng phụ thuộc vào mức độ nhạy cảm của từng cá thể, hàm lượng, thời gian và tốc độ hấp thu các kháng nguyên. Phần lớn tử vong do sốc phản vệ không thể dự báo trước.
Thuốc là một trong bốn nhóm chính thường gây sốc phản vệ. Trong đó sốc phản vệ do thuốc cản quang chiếm tỷ lệ một trên 5.000 trường hợp. Sốc phản vệ chỉ xảy ra ở cơ thể có “cơ địa dị ứng”, nghĩa là với cùng một liều lượng, tốc độ và thời gian hấp thụ, phơi nhiễm, sốc có thể xảy ra ở người này nhưng chưa chắc xảy ra ở cơ thể khác.
“Những sự cố nghiêm trọng, nhất là sốc phản vệ cướp đi tính mạng của người bệnh, luôn là nỗi kinh hoàng, ám ảnh và không mong muốn, ngoài năng lực dự đoán của tất cả bác sĩ”, tiến sĩ Quang nói.