Home » Khỏe và đẹp » Bệnh phù chân voi khiến ‘cậu nhỏ’ người đàn ông to như cái thúng

Bệnh phù chân voi khiến ‘cậu nhỏ’ người đàn ông to như cái thúng

Người đàn ông quê ở Hà Nam cho biết cách đây vài năm bắt đầu bị phù chân và bìu ngày càng to ra trông thấy rõ. Ban đầu anh xấu hổ nên giấu gia đình, đến khi tình trạng sưng phù ngày càng trầm trọng, tinh hoàn phì to không thể mặc quần được mới chịu đến bệnh viện khám. Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Phùng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng chẩn đoán bệnh nhân bị bệnh phù chân voi cần phải trải qua 4 lần phẫu thuật mới điều trị khỏi. 

Bệnh nhân phải phẫu thuật để khắc phục tình trạng phù nề đồng thời nối các tĩnh mạch và mạch bạch huyết, loại bỏ mô xơ thừa, mô mỡ dưới da… Sau phẫu thuật, bệnh nhân phải giữ vệ sinh vùng kín để giảm triệu chứng nhiễm trùng, thoa thuốc hoặc kem kháng sinh vào vết thương. Người bệnh cũng được hướng dẫn thực hiện các bài tập cho vùng tay chân bị tổn thương để giúp bạch huyết lưu thông tốt hơn.

Bác sĩ Phùng giải thích phù chân voi còn gọi là bệnh giun chỉ bạch huyết, tên khoa học là podoconiosis. Bệnh xảy ra khi có tình trạng viêm tắc hệ thống bạch huyết ở chân, tay, bộ phận sinh dục khiến cho các bộ phận này sưng to, biến dạng quá mức. Phù chân voi là căn bệnh phổ biến, đặc biệt ở vùng khí hậu nhiệt đới.

Phần lớn trường hợp mắc bệnh phù chân voi là do giun chỉ gây ra. Vật trung gian truyền bệnh là muỗi nhiễm ký sinh trùng giun chỉ. Người bị muỗi đốt, ký sinh trùng sẽ theo máu xâm nhập vào cơ thể. Ấu trùng di chuyển đến mạch bạch huyết và phát triển thành giun tại đây. Giun chỉ có thể trú ngụ trong cơ thể người từ 5 đến 8 năm và sản sinh vô số các ấu trùng giun. Giun có thể thâm nhập vào những con muỗi khác khi chúng đốt người bệnh.

Giun chỉ ký sinh làm tổn thương mạch bạch huyết, gây viêm, tắc nghẽn và tích tụ dịch bạch huyết. Bệnh còn gây tổn thương da, các tổ chức dưới da quanh khu vực bị viêm nhiễm sẽ dày lên và có thể bị bội nhiễm.

Bệnh phù chân voi có thể do một số nguyên nhân khác như lao, hủi, nhiễm liên cầu tái phát hoặc do môi trường tiếp xúc nhiều với một số kim loại như silic dioxit. Ngoài ra, bệnh hay xuất hiện ở những người dân sống tại miền núi Trung Phi do tiếp xúc quá nhiều với tàn tro của núi lửa. Một số trường hợp mắc mà không thể xác định được nguyên nhân gây bệnh.

Để chẩn đoán và phát hiện bệnh phù chân voi, các bác sĩ lấy máu người bệnh soi kính hiển vi tìm giun chỉ. Nếu bệnh ở giai đoạn đầu và được phát hiện kịp thời, điều trị bằng thuốc diệt giun rất hiệu quả. Khi bệnh đã phát triển lâu, phương pháp này không mang lại tác dụng. Người bệnh có thể được điều trị bằng kháng sinh để ngăn ngừa sự phát triển của giun chỉ trưởng thành đồng thời giảm nhẹ triệu chứng. 

Thi Trân