Home » Khỏe và đẹp » Bệnh viêm da dày sừng tái xuất hiện ở Quảng Ngãi, 5 người nhập viện

Bệnh viêm da dày sừng tái xuất hiện ở Quảng Ngãi, 5 người nhập viện

Sáng 14/12, bà Đặng Thị Phượng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ cho biết, đã xác định hai bệnh nhân mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. Chị Phạm Thị Dách 27 tuổi đang mang thai và con gái là bé Phạm Thị Vị (10 tuổi) nhập viện với các triệu chứng điển hình của bệnh như tổn thương da, men gan tăng.

“Chúng tôi chuyển hai bệnh nhân xuống Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi”, bà Phượng nói. Trước đó, Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ cũng đã chuyển ba bệnh nhân khác đến bệnh viện tỉnh điều trị với các triệu chứng tương tự.

benh-viem-da-day-sung-tai-xuat-hien-o-quang-ngai-5-nguoi-nhap-vien

Bệnh viêm da dày sừng bàn tay chân với các triệu chứng tổn thương da, men gan tăng. Ảnh: Thạch Thảo.

Lần đầu tiên trong ba năm qua, chỉ trong hai ngày, cơ quan y tế huyện Ba Tơ đã xác định 5 người bị bệnh da dày sừng lòng bàn tay chân.  

Trước diễn biến trên, Sở Y tế Quảng Ngãi đã phối hợp với Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa tổ chức khám sàng lọc, xét nghiệm men gan, cấp phát thuốc bổ trợ gan và vi chất cho người dân các xã ở huyện miền núi Ba Tơ.

Ông Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết, ngành y tế đang tăng cường giám sát dịch tễ, phun thuốc khử khuẩn môi trường quanh các khu dân cư; đồng thời hướng dẫn cho người dân cách phòng bệnh và các dấu hiệu nhận biết bệnh để kịp thời đến cơ sở y tế điều trị. 

Bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân xuất hiện vào khoảng cuối 2011 đầu 2012 ở làng Rêu, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ. Căn bệnh ban đầu được gọi là “bệnh lạ” do không rõ nguyên nhân và chưa từng được ghi nhận trên thế giới. 

Theo thống kê của ngành y tế Quảng Ngãi, trong ba năm “hoành hành” từ 2011- 2014, đã có 228 ca bệnh được phát hiện, 26 người tử vong. Hồi đầu năm 2013, Bộ Y tế công bố kết quả nghiên cứu dịch tễ học, xác định ban đầu nguyên nhân bệnh do độc tố vi nấm, chủ yếu là Aflatoxin, do tập quán của người địa phương thường ăn gạo mốc. Độc tố này xâm nhập vào cơ thể người thiếu vi chất dinh dưỡng, gây bệnh.

Thạch Thảo