Bà chữa đau khớp bằng nhiều cách dân gian, đến khi bệnh nặng lại đến phòng khám chích khớp. Sau mũi chích đầu tiên hiệu quả giảm đau rõ rệt nên bà chích tiếp mũi thứ hai. Hai ngày sau khớp gối phải của bà sưng to, nóng đỏ và đau dữ dội. Bà vào Bệnh viên Đại học Y Dược TP HCM trong tình trạng không thể vận động, chân đau và nhiễm trùng máu, phải nằm liệt giường.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm kèm thoái hóa khớp gối, viêm mô quanh gối. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi khớp, cắt lọc mô viêm nhiễm và rửa khớp liên tục 48 giờ sau mổ.
Bệnh nhân phục hồi tốt sau mổ, không còn nhiễm trùng máu và được xuất viện. Khi tình trạng nhiễm trùng đã dứt, người bệnh tiếp tục được phẫu thuật để thay khớp gối toàn phần. Ba tháng sau ca phẫu thuật thứ hai, bà đã có thể đi lại và tình trạng đau nhức giảm đến 90%.
Bác sĩ đang tư vấn cho người bệnh bị thoái hóa khớp. Ảnh: N.P |
Theo bác sĩ Hoàng Nguyễn Anh Tuấn, Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, thuốc chữa khớp dân gian đa số có thành phần corticoid hàm lượng rất cao. Chúng có thể tác dụng giảm đau nhưng dùng nhiều sẽ gây phỏng, nhiễm trùng da và biến chứng nguy hiểm cho thận, tim mạch, dạ dày. Nhiễm trùng da lan sâu gây nhiễm trùng khớp và nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong.
Hiệu quả điều trị thoái hóa khớp tùy thuộc vào giai đoạn bệnh ở thời điểm chẩn đoán. Nếu suốt hai tuần bạn bị đau khớp, cứng khớp vào buổi sáng, đau khi đi lên cầu thang, ngồi xổm hoặc mang vác nặng, nên gặp bác sĩ để được chẩn đoán, điều trị sớm tránh nguy cơ phẫu thuật.
Thoái hóa khớp là tình trạng phần sụn nằm ở đầu xương mòn dần theo thời gian. Bệnh do nhiều yếu tố gây nên như lớn tuổi, béo phì, chấn thương, nhiễm trùng… Phụ nữ dễ bị thoái hóa khớp hơn nam giới. Tại Việt Nam, tỷ lệ thoái hóa khớp ở người trên 40 tuổi khoảng 23% và có xu hướng gia tăng.
Sáng 29/7, bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM tư vấn miễn phí cho 100 người bị bệnh hoặc quan tâm đến thoái hóa khớp. Đăng ký tham dự (028) 3952 5449 – (028) 3952 5422. |