Từ Quảng Trị vào Đăk Nông lập nghiệp, gia đình anh Quyền dựng tạm căn nhà gỗ trên đồi cao để sinh sống. Cách đây hai tháng, vợ chồng anh để hai con ngủ trưa ở nhà và đi làm mướn ở rẫy cao su gần đó. Khi thấy khói từ hướng nhà bốc lên, vợ chồng vội chạy về thì lửa đã lan khắp nơi. Bé trai ba tuổi Trần Đăng Khôi đã biết đi nên chạy ra trước cửa tránh lửa. Bé gái một tuổi mắc kẹt tử vong trong đám cháy.
Bé Khôi được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng cháy sạm đen khắp người. Bác sĩ cho biết bệnh nhi bị hủy hoại gần như toàn bộ da cơ thể, độ 2-3. Nếu không có phương pháp điều trị thích hợp che phủ vùng da bị tổn thương này, khả năng bé sẽ tử vong do nhiễm trùng, nhiễm độc và suy kiệt.
Vấn đề là diện tích da còn lại trên cơ thể của bé quá ít, không đủ để lấy da tự thân của bé ghép vào vùng da bị bỏng. Ghép da đồng loại từ người thân, bố mẹ, anh em ruột sang cho bé là biện pháp tốt nhất. Khi được bác sĩ thông báo tình hình, người bố 36 tuổi đồng ý không chần chừ hiến da. “Chỉ cần cứu được con thì tôi không tiếc gì cả”, ông bố vẫn chưa hết day dứt vì đã để hai con ở nhà đi làm khiến con gặp nạn.
Anh Quyền trong những tháng ngày túc trực ngoài cửa phòng cấp cứu của con. Ảnh: L.P. |
Tiến sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM nơi tiên phong trong vấn đề ghép da đồng loại người lớn, được các đồng nghiệp mời sang viện nhi hội chẩn trường hợp này. Các bác sĩ đã lấy da mỏng ở hai bên đùi của anh Quyền, tiến hành dát mỏng da và ghép vào vùng đầu, mặt, cổ, ngực, hai tay và hai đùi bé Khôi.
Hiện sức khỏe bé Khôi đã ổn định, da ghép đã dính và sống được ở phần đầu, mặt cổ. Một phần da ở tay chân da bị bong tróc nhưng vẫn đủ để tạo điều kiện cho mô bên dưới lành tốt. Đây là ca ghép da đồng loại đầu tiên thực hiện ở trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng 2, mở ra cơ hội điều trị cho các bệnh nhi bỏng nặng.
Vùng da đùi của anh Quyền, nơi lấy da cho con, cũng đang dần lành. Nỗi xót xa của người làm bố vơi bớt phần nào trong anh vì đã góp cơ hội sống cho con trai.