Theo Bộ Y tế, mức sinh hiện nay còn rất khác biệt giữa các vùng, tỉnh thành. Một số nơi có mức sinh rất thấp, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế. Ví dụ, TP HCM mức sinh 1,45 con trên một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, Bà Rịa – Vũng Tàu 1,56 con. Hầu hết các tỉnh thuộc trung du và miền núi phía Bắc có mức sinh cao nhất từ 2,5 con trên một phụ nữ tuổi sinh đẻ, tỉnh có mức sinh cao nhất là Lai Châu: 3,11 con.
Vì thế, để phù hợp với tình hình mới, Bộ Y tế đề xuất hai phương án:
Phương án 1: Các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định một cách có trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con. Nhà nước khuyến khích chỉ sinh đến hai con.
Phương án 2: Quy định như hiện hành, sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.
Ở cả hai phương án, Bộ Y tế chú trọng quy định chính sách, biện pháp trong từng giai đoạn, từng vùng, tỉnh, thành để duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý (giảm ở những nơi có mức sinh cao, khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp).
Bộ Y tế lựa chọn phương án một quy định quyền sinh sản thay vì quy định cụ thể về số con. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, khi đạt mức sinh thay thế, nếu chậm nới lỏng các biện pháp kiểm soát sinh sản thì mức sinh sẽ giảm xuống rất thấp khó kéo lên được. Dân số suy giảm để lại hậu quả bất lợi cho kinh tế xã hội và sự phát triển bền vững trong tương lai. Hiện nay Nhật Bản, Hàn Quốc phải nỗ lực thực hiện các biện pháp khuyến sinh nhưng rất khó khăn. Trung Quốc cũng đang nới lỏng dần chính sách sinh một con bằng chính sách sinh một con rưỡi hoặc hai con…
Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, phương án 1 sẽ được áp dụng rất linh hoạt, mềm dẻo. Ngoài việc trao quyền tự quyết cho các cặp vợ chồng, Nhà nước khuyến khích các cặp vợ chồng, cá nhân chỉ sinh đến 2 con.
“Bộ Y tế ủng hộ phương án nới lỏng chính sách sinh con nhưng không đồng nghĩa các cặp vợ chồng được sinh thoải mái. Hiểu đúng phương án 1 là điều chỉnh số lượng con phù hợp với mức sinh thay thế (2,1 con) hay nới lỏng mức kiểm soát sinh”, Tiến sĩ Quang giải thích.
Ở mỗi giai đoạn, từng vùng, từng tỉnh thành sẽ có quy định chính sách để duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý trong phạm vi cả nước. Điều này đồng nghĩa giảm sinh ở những tỉnh có mức cao, khuyến khích sinh ở những nơi sinh ít.
Đề xuất này được kỳ vọng tạo sự chủ động cho các địa phương trong việc điều chỉnh mức sinh. Đây là quy định mở, đáp ứng cho từng nhóm, từng vùng miền. Tất cả địa phương phải có chính sách điều chỉnh cho sát mức sinh thay thế chứ không để sinh thoải mái 3-4 con.
“Hạn chế đẻ 2 con cũng là một trong những sự hạn chế quyền con người. Trước đây, chính sách này phù hợp và rất tốt nhưng bây giờ thì không còn thích hợp nữa”, ông Quang nói.
Dự án Luật dân số dự kiến trình Chính phủ vào quý 1 năm 2018, dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp tháng 6/2018, trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2018. Dự thảo vừa được Bộ Y tế chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định.
– Pháp lệnh Dân số (ban hành năm 2003) quy định mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh. Tuy nhiên, nó khiến nhiều người dân hiểu sai là Nhà nước khuyến khích đẻ nhiều con. Vì thế, mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ ba tăng mạnh trở lại. Năm 2009 quy định này được sửa lại thành “Mỗi cặp vợ chồng nên có 1-2 con”.
– 3 phương án quy mô dân số Việt Nam: |
Nam Phương