Quy định thông tư 40 ban hành năm 2014: “Các thuốc có ký hiệu dấu (*) là thuốc chỉ sử dụng khi các thuốc khác trong nhóm điều trị không có hiệu quả và phải được hội chẩn trước khi sử dụng”. Một số thuốc là kháng sinh cũng có đánh dấu (*) và thực hiện theo quy định này.
Theo tiến sĩ Hà Văn Thúy, Phó Vụ trưởng Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, cefepim là kháng sinh cefalosporin thế hệ 4, có đánh dấu (*) tức thuốc cần cân nhắc trước khi sử dụng nhằm hạn chế tình trạng kháng thuốc cũng như việc lạm dụng thuốc. Tuy nhiên, Bộ Y tế không quy định cần làm kháng sinh đồ trước khi sử dụng cefepim.
“Thuốc này nhằm dự phòng cho những trường hợp nặng hơn, Bộ Y tế chỉ yêu cầu cân nhắc khi sử dụng. Các bệnh viện đã hiểu chưa đúng quy định này”, tiến sĩ Thúy nói.
Thông tư 40 cũng quy định: “Quỹ bảo hiểm y tế không thanh toán đối với trường hợp sử dụng thuốc không phù hợp với chỉ định đã đăng ký trong hồ sơ đăng ký thuốc đã được phê duyệt”. Quy định này khiến bảo hiểm y tế đầu tháng 4 dừng thanh toán một số thuốc khiến người bệnh lao đao.
Bộ Y tế cho biết đã nhận được phản ánh của các bệnh viện về việc ngừng thanh toán một số loại thuốc khiến ảnh hưởng lớn đến hiệu quả điều trị bệnh. Bộ đang tập hợp kiến nghị các đơn vị để sửa đổi thông tư này theo hướng mở rộng thêm một số căn cứ để bảo hiểm thanh toán. Bộ sẽ thành lập Hội đồng chuyên môn để xem xét từng trường hợp cụ thể làm căn cứ thanh toán, bảo đảm tính an toàn, hiệu quả và quyền lợi của người bệnh.
Trước mắt Bản hiểm xã hội Việt Nam đã yêu cầu Bảo hiểm xã hội TP HCM tạm chi trả cho 2 loại thuốc mycophenolat và tacrolimus (điều trị lupus ban đỏ). Bộ Y tế sẽ có văn bản chính thức giải quyết vấn đề này. Theo Bộ Y tế, những thuốc không được bảo hiểm thanh toán theo thông tư 40 không nhiều, vì một nhóm thuốc điều trị các bệnh thường có thuốc thay thế.
Nam Phương