Home » Khỏe và đẹp » Bộ Y tế sẽ thí điểm giám sát hiệu thuốc bán kháng sinh

Bộ Y tế sẽ thí điểm giám sát hiệu thuốc bán kháng sinh

Sơ kết giai đoạn 1 thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc, ngày 21/9 Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận: “Người dân hiện nay dùng kháng sinh khá bừa bãi, đau đầu cảm cúm đều tự ra hiệu thuốc mua bán mà không cần toa bác sĩ, đặc biệt là kháng sinh”.

Để thay đổi thói quen này, Bộ trưởng Tiến cho rằng các nhà thuốc cần ứng dụng công nghệ thông tin, trang bị hệ thống camera, tiêu chuẩn nhà thuốc đạt GPP (thực hành nhà thuốc tốt), phải bán thuốc theo đơn. Cục Quản lý Dược sẽ tiến hành thí điểm giám sát bán thuốc theo đơn tại một số nơi, đặc biệt là các thành phố lớn. Bên cạnh đó, Cục tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế, siết chặt công tác chống nhiễm khuẩn ở khu hậu phẫu, rửa tay bằng xà phòng; sử dụng kháng sinh hợp lý trong chăn nuôi, nuôi trồng.

“Kế hoạch phòng chống kháng thuốc cần cụ thể, tỉ mỉ các hành động như tăng cường truyền thông, cán bộ y tế kê đơn thuốc có đúng phác đồ, có điều trị bao vây, có lạm dụng kháng sinh, có nghĩ đến kháng kháng sinh…”, Bộ trưởng Tiến chia sẻ. Bà cho rằng”nếu chúng ta không có hành động mạnh mẽ ngay từ hôm nay thì những năm sau sẽ không còn thuốc”.

Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cũng cho biết, tình trạng kháng thuốc kháng sinh xảy ra ở tất cả quốc gia, con người, thực phẩm, động vật. Ông nói: “Nếu không muốn các loại kháng sinh không còn hiệu lực trong tương lai thì các nước cần phải có hành động”. Ước tính mỗi năm thế giới có khoảng 700.000 người tử vong liên quan kháng thuốc, dự báo năm 2050 con số này sẽ tăng nhiều hơn nữa. 

Thuốc kháng sinh ra đời từ những năm đầu của thập kỷ 40, là bước ngoặt lớn trong lịch sử y học nhân loại. Thuốc kháng sinh giúp cứu sống hàng triệu người mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn như lao, viêm phổi, bạch hầu, viêm màng não mủ… Tuy nhiên, do quá trình chọn lọc tự nhiên của vi khuẩn, tình trạng sử dụng kháng sinh không đúng của con người như dùng không đủ liều, quá liều, không phù hợp với căn nguyên bệnh; lạm dụng kháng sinh trong y tế, nông nghiệp… đã làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh.

Tình trạng kháng thuốc, kháng thuốc kháng sinh ngày càng trở nên trầm trọng. Báo cáo toàn cầu về kháng thuốc năm 2014 của WHO tổng hợp từ 114 quốc gia cho thấy, người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng ở tất cả nhóm tuổi. Tại châu Âu, số ngày nằm viện tăng 2,5 triệu ngày, tử vong 25.000 người mỗi năm. Thái Lan cũng tăng hơn 3,2 triệu ngày nằm viện và tử vong 38.000 người mỗi năm.

Thế giới đã xuất hiện các vi khuẩn kháng với hầu hết kháng sinh, còn gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc. Tại Việt Nam, hầu hết cơ sở khám chữa bệnh đang phải đối mặt với sự lan rộng của vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng gia tăng, ở mức báo động.

Kháng sinh được ví như “của để dành”, dùng trong những trường hợp thực sự nguy cấp. Vì thế không nên lạm dụng nó. Khi có bệnh nên đi khám chứ không tự ý uống thuốc, đặc biệt là kháng sinh. Khi uống cần tuân thủ bốn quy tắc: Đúng chỉ định, liều lượng, thời gian và cách dùng.

Nam Phương