Ông Thành là một trong số 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc được vinh danh trong năm nay. Hơn 20 năm qua, ông Thành đã 63 lần hiến máu tình nguyện vợ và hai con ông cũng tham gia.
“Tôi luôn cho rằng hiến máu là việc làm bình thường, không có gì lớn lao, nhưng được tôn vinh toàn quốc khiến tôi xúc động vô cùng và thấy mình thật may mắn”, người đàn ông chia sẻ.
Ông Thành quyết tâm bỏ rượu để có thể hiến máu. Ảnh: N.Phương. |
Tự nhận mình từng nghiện rượu, ông Thành nhớ lại những tháng ngày gần như “súc miệng bằng rượu”, bởi sáng ngủ dậy đã uống, mỗi ngày 2 lít rượu, uống bằng tô bằng chén lớn. Có khi chỉ với một trái mận làm mồi, ông cũng uống hết một lít rượu. Ông còn dặn vợ đi làm không cần ăn ngon, chỉ cần chuẩn bị đủ rượu.
“Tôi uống nhiều đến nỗi không có bạn rượu nào tiếp được, uống không có đối thủ. Chỉ uống rượu, không ăn uống gì nên lúc đó tôi gầy còm, hom hem. Nhìn tôi bây giờ khỏe mạnh nặng 70 kg, có lẽ ít người hình dung lúc tôi chỉ nặng 49-50 kg trong khi cao 1,7 m”, ông cười nói.
Vì một lần tham gia hiến máu thất bại vào năm 2007 mà ông có động lực để cai rượu. Ông nhớ trước ngày đi hiến máu đã uống đến ngất ngưởng cả đêm, sáng dậy vẫn say. Lúc hiến máu, ông phải nín thở để không bị phát hiện có nồng độ cồn. Về nhà, ông ân hận vì biết rằng túi máu của mình không đạt yêu cầu, sẽ bị hủy, không thể giúp gì được cho người bệnh.
Từ đó ông Thành quyết tâm cai rượu, sau 4 tháng thì thành công. Ông đoạn tuyệt hoàn toàn với rượu. Chỉ cần uống một chén nhỏ, ông đã có cảm giác tim mình bị ép chặt, không chịu được. Không uống rượu nữa, lại ăn uống đầy đủ, chăm chỉ đi hiến máu, định kỳ năm ít nhất 3 lần, cân nặng của ông cũng tăng dần.
Trước đây là công nhân nhà máy sản xuất giày, hiện làm bảo vệ, ông Thành luôn tâm niệm “mình sống vì mọi người thì mọi người mới vì mình”. Hiến máu cứu người chính là làm việc thiện vì người khác. Không có điều kiện về kinh tế, ông cũng muốn có thứ gì đó để cho đi. “Bác sĩ nói máu không thể sản xuất được nên tôi đăng ký vào câu lạc bộ hiến máu dự bị và hiến máu định kỳ cho đến nay”, ông Thành nói.
Ông Thành cũng trở thành tuyên truyền viên vận động mọi người tham gia hiến máu. Vợ con sau đó cũng tham gia. Vợ ông đến nay đã 22 lần hiến máu.
Ở tuổi 59, điều ông Thành tiếc nuối nhất là đến tháng 5/2019 ông sẽ không còn đủ tuổi để hiến máu, không đủ thời gian để thực hiện mục tiêu đặt ra là 80 lần. Trong năm nay ông chỉ có thể hiến máu thêm được 3 lần nữa. Theo quy định, người đến 60 tuổi không được hiến máu nữa.
“Nếu ngành y cho phép, tôi sẵn sàng hiến máu tình nguyện và hiến đến suốt đời”, ông Thành tâm sự.
100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm nay đến từ 63 tỉnh, thành. Trong đó, người lớn tuổi nhất là ông Võ Ngọc Việt (Long An) 61 tuổi, 17 lần hiến máu tình nguyện và vận động 568 người tham gia hiến máu. Người trẻ nhất 23 tuổi, là anh Nguyễn Văn Trung ( Hà Nội), 14 lần hiến máu, vận động 1.000 người tham gia hiến máu và anh Đàm Quang Tuấn (Thái Nguyên), 18 lần hiến máu. 8 người đã hiến máu 31-40 lần, 3 người hiến 41-50 lần và 10 người hiến 51-63 lần. Có 2 người hiến máu 64 lần là anh Hồ Văn Thúc (Đồng Nai) và anh Nguyễn Đình Tiến (TP HCM). Nhiều gia đình cũng đồng lòng tham gia hiến máu tình nguyện, như gia đình chị Huỳnh Ngọc Bảo Châu (Kiên Giang) 103 lần, gia đình chị Nguyễn Thị Ánh (Vĩnh Long) và gia đình anh Hồ Anh Tuấn (Khánh Hòa) đều hiến 76 lần, gia đình anh Vũ Quang Hùng (Khánh Hòa) 72 lần… |