Home » Khỏe và đẹp » Bốn giờ phẫu thuật cho bé trai 5,5 tháng tuổi mắc bệnh tim hiếm gặp

Bốn giờ phẫu thuật cho bé trai 5,5 tháng tuổi mắc bệnh tim hiếm gặp

Ca mổ thực hiện vào giữa tháng 11. Bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên – trưởng Khoa Ngoại Bệnh viện Tim TP HCM cho biết bé Minh Khang là một trong những trường hợp tim bẩm sinh đặc biệt trên thế giới. Bé nhập viện khi mới 1,5 tháng tuổi, tim bị đồng dạng phải (không phân rõ trái phải), teo động mạch phổi và bất thường hồi lưu tĩnh mạch phổi. Không chỉ ở tim, các bộ phận khác cũng không phân cực rõ ràng.

“Trái tim bé nằm ngay chính giữa, gan nằm hai bên và không có lách. Bé không có động mạch phổi, máu đi từ phổi về tim cũng bất thường. Đây là thể phức tạp nhất tôi từng gặp”, bác sĩ Viên nói. Với những trường hợp như vậy, bác sĩ thường khuyên gia đình nên chuẩn bị tâm lý bởi tỷ lệ thành công trên thế giới rất thấp, chưa đến 10%. Dù thành công cũng có thể xảy ra biến chứng sau mổ. Sau đó, bé còn phải trải qua từ hai đến ba cuộc đại phẫu nữa.

Tim người bình thường có hai ngăn – tim bên phải và bên trái – như hai động cơ (máy bơm) giúp hoạt động trơn tru. Tuy nhiên, do Minh Khang chỉ có một động cơ nên các bác sĩ phải thay đổi tuần hoàn cơ thể, đồng thời sửa chữa, thiết kế lại đường ống động mạch để máu có thể lưu thông, dẫn về tim. 

Suốt 4 tiếng đồng hồ, bác sĩ thiết lập hệ thống mới để phù hợp với cơ thể vốn có một máy bơm. Mục đích của phẫu thuật này là hỗ trợ máy bơm đó đủ lực để đi nuôi cơ thể, còn máu lên phổi phải thiết lập hệ thống khác mà không cần bơm, để nó tự chảy. Nối tĩnh mạch chủ ở phía trên vào động mạch phổi để máu đen tự chảy vào phổi và trao đổi oxy.

Do động mạch phổi bé bị hẹp nên phải mở rộng và tái tạo đường ống để dẫn máu tốt hơn. Sau đó nối lại hồi lưu (đường về) của máu đỏ để đổ về tim. Chỉ cần một sai sót nhỏ có thể khiến đường ống bị kẹt, dẫn đến hệ thống đứng lại, gây nguy hiểm cho bệnh nhi.

Sau phẫu thuật 5 ngày, bé Minh Khang bị tràn dịch màng phổi – như tiên lượng biến chứng có thể xảy ra của các bác sĩ. Theo đó, khi nối tĩnh mạch và động mạch phổi, áp lực của tĩnh mạch tăng cao, khiến ống dẫn chất béo bị vỡ.

Hiện tại, bé được nuôi ăn qua đường tĩnh mạch để ống dẫn chất béo được nghỉ ngơi, tự khô và lành, qua đó cũng giúp giảm áp lực cho đường tĩnh mạch nhằm dẫn lưu tốt hơn. Việc điều trị này có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng.

Tnh trạng bé dần ổn định mỗi ngày dù thể lực lẫn trí lực có thể không bằng trẻ khác. Khuôn mặt không còn xanh xao. Đã lộ vẻ nhanh nhẹn hơn trước. Theo bác sĩ Trí Viên, sau 3-6 tuổi, bé Khang sẽ bước vào ca phẫu thuật lần hai. Ca mổ lần 3 sẽ diễn ra khi bé trưởng thành. Trong quá trình ấy, bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ, cũng như gia đình bé Khang phải cẩn thận, tránh để trẻ vận động mạnh, ảnh hưởng không tốt cho cơ thể.

bon-gio-phau-thuat-cho-be-trai-5-5-thang-tuoi-mac-benh-tim-hiem-gap

Bé Minh Khang sau ca phẫu thuật tim hiếm gặp.

Chị Phan Thị Hằng (sinh năm 1990, Hải Phòng) – mẹ bé Khang – tâm sự, khi mới sinh, bé lập tức bị cách ly mẹ vì cơ thể tím tái, hơi thở yếu. Gia đình giấu không cho chị biết bệnh tình của con. Sau ba ngày tuổi được chuyển qua nhiều bệnh viện tim từ địa phương đến trung ương, các bác sĩ trả bé về và nói gia đình chuẩn bị lo hậu sự. “Họ nói con tôi chỉ sống được một tuần, hoặc vài ngày nữa”, bà mẹ 27 tuổi với khuôn mặt khắc khổ kể lại.

Sau án tử được báo trước, chị khóc ngất khi lần đầu gặp con. Nhưng không từ bỏ hy vọng. Những ngày sau đó, bé dần hồng hào, chỉ đôi khi tái nhợt. Chưa khỏe hẳn sau ca sinh khó, chị đưa con vào Nam để chữa bệnh, lang thang nhiều nơi rồi tới đến Bệnh viện Tim TP HCM.

Mới đầu, bác sĩ từ chối nhưng Hằng chấp nhận mỏi rủi ro để mong đem lại cho con cơ hội sống. Bác sĩ Viên lại dao động. “Tôi nói rõ với gia đình rằng cơ hội bé sống sót rất thấp để chuẩn bị tâm lý, tài lực và cả thể lực vì con đường này rất dài. Ngoài việc có thể ra đi bất cứ lúc nào trên bàn đại phẫu, kể cả khi thành công, bé cũng không thể bình thường như bao người. Sau ca mổ đầu tiên, bé phải trải qua hai lần phẫu thuật nữa. Tuy nhiên, những giọt nước mắt khiến tôi day dứt và tự hỏi sao mình không thắp cho họ ngọn lửa hy vọng?”, ông kể.

Nhờ sự tài trợ Quỹ Pfizer – tập đoàn về dược phẩm và chế phẩm sinh học từ New York, Mỹ – có trụ sở tại Việt Nam, bé Minh Khang được xác định thời gian phẫu thuật tim. Do cơ thể bé không đảm bảo, còn quá nhỏ để chịu đau đớn, các bác sĩ cùng gia đình bé phải theo dõi sát sao, tẩm bổ để bé có thể lên bàn mổ ở 5,5 tháng tuổi. “May mắn thay bé không phải thở oxy cho đến ngày mổ”, bác sĩ nói

Bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên thực hiện 700 ca mổ tim mỗi năm, trung bình mỗi ngày hai ca, đa phần là trường hợp phức tạp. Suốt 25 năm theo nghề y, ông từng cứu sống hàng chục nghìn bệnh nhân bị tim bẩm sinh. Trong hơn 17.500 ca ấy, bé Minh Khang là trường hợp khó nhất ông từng gặp.

Thi Quân

Đây là một trong 4 ca phẫu thuật thực hiện tại Viện Tim Việt Nam cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh tim mạch do Pfizer tài trợ.

Pfizer cũng vừa trao 10 suất học bổng cho sinh viên xuất sắc tại Trường Đại Học Y Hà Nội và Đại Học Y Dược TP HCM. Chương trình học bổng do quỹ Pfizer khởi xướng tại Việt Nam từ năm 2006.

Từ năm 2016, Pfizer hỗ trợ tài chính cho Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch để cung cấp Chương trình đào tạo Y khoa liên tục cho hàng trăm bác sĩ gia đình, không chỉ ở các thành phố lớn, mà còn ở các tỉnh xa thông qua chương trình đào tạo trực tuyến.