Bé gái xinh xắn chào đời cách đây hai tuần là trái ngọt hạnh phúc của vợ chồng chị Oanh. Ở tuổi 38, chị lần đầu trải qua cảm giác thiêng liêng khi nhìn ngắm con lớn lên từng ngày. Người mẹ không ngăn được cảm xúc khi nhớ về hành trình quá đỗi gian nan suốt 9 năm ròng.
Cưới nhau vào năm 2009, chị Oanh mang thai bé trai đầu lòng. Đến tuần thai thứ 26 chị bất ngờ sinh non, không giữ được con. Gần hai năm sau chị mang thai trở lại. Được vài tuần thì bác sĩ phát hiện em bé không có tim thai. Lần thứ ba, bé gái cũng bỏ vợ chồng chị khi mới 26 tuần thai.
Lần mang thai thứ 4, chị Oang được bác sĩ Vũ Văn Phi, Bệnh viện Hạnh Phúc, theo dõi chặt chẽ. Bác sĩ phát hiện chị Oanh có tử cung đôi, hai sừng, là một trong những nguyên nhân có thể gây sinh sớm. Đến tuần thai thứ 16, chị được khâu eo tử cung để dự phòng đẻ non.
Tuần thứ 25, chị Oanh có các dấu hiệu giống như những đợt mang thai trước nên bác sĩ cho nhập viện theo dõi, điều trị bổ sung nội tiết. Duy trì đến hơn 30 tuần thai buộc phải sinh, bé gái chào đời cân nặng hơn 1,4 kg. “Bên cạnh hẹp eo tử cung, thai phụ còn bị tiểu đường, đòi hỏi phải theo dõi kỹ”, bác sĩ Phi chia sẻ.
Bé gái kháu khỉnh chào đời sau 4 lần mang thai của chị Oanh. Ảnh: Lê Phương. |
Tiến sĩ Cam Ngọc Phượng, Trưởng Khoa Hồi sức Sơ sinh, Bệnh viện Hạnh Phúc cho biết người mẹ rối loạn dung nạp đường có thể làm em bé suy hô hấp sau sinh. Bản thân em bé sinh non lúc 30 tuần tuổi cũng có nguy cơ xẹp phổi lúc chào đời. Trường hợp này từ trước sinh thai phụ đã được chích corticoid để phòng ngừa suy hô hấp cho bé. Ngay từ phòng sinh, bé được bác sĩ nhi túc trực sẵn để cho thở máy (CPAP) giúp phổi bé nở liên tục từ phòng sinh đến nơi săn sóc đặc biệt.
“Bé có kèm dị tật tim bẩm sinh, còn ống động mạch nên được bác sĩ tim mạch hội chẩn để điều trị đóng ống động mạch”, bác sĩ Phượng cho biết. Bé được đặt catheter trung tâm để chăm sóc dinh dưỡng, tránh nguy cơ phải chích mỗi ngày. Sau hai tuần điều trị, hiện bé đã rút được catheter, sức khỏe ổn định, dự kiến xuất viện vào tuần tới.
Theo bác sĩ Phi, thai phụ hở eo tử cung thường được khâu dự phòng lúc 16-20 tuần tuổi thai, tùy từng trường hợp có thể đặt vòng nâng kết hợp khâu, bổ sung nội tiết để giảm cơn gò tử cung, kéo dài tuổi thai. Những yếu tố chẩn đoán hở eo tử cung là sảy thai liên tiếp, sinh non, siêu âm thấy tử cung ngắn hơn 25 mm hoặc mở lớn hơn 80 mm.
Hở eo tử cung thường do nguyên nhân bất thường về tử cung như tử cung đôi, tử cung hai sừng, thai phụ vận động nhiều, có cơn gò tử cung mà không phát hiện… hoặc đôi khi không rõ nguyên nhân. Phụ nữ mang thai cần được theo dõi chặt chẽ, đặc biệt là những người có tiền căn sảy thai, sinh non…