Động tác này khá đơn giản nhưng hiệu quả giúp bạn đánh giá bước đầu con mình có bị vẹo cột sống hay không. Với tư thế bé cúi thẳng người, bạn có thể quan sát sự cân đối của hai vai con. Nếu một vai bé nhô cao lên, gù, bạn nên đưa con đi khám cột sống để được theo dõi, xử trí phù hợp.
Ngoài ra bạn cần lưu ý dấu hiệu cảnh báo cong vẹo cột sống nguy hiểm khi tình trạng vẹo tiến triển nhanh trên một độ mỗi tháng. Trẻ bị đau lưng hoặc vẹo khởi phát khi bé dưới 10 tuổi, có tổn thương thần kinh…
Phó giáo sư Đinh Ngọc Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết, cong vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị cong hoặc lệch sang một bên. Khoảng 0,5-1% dân số mắc bệnh này. Đặc biệt, trẻ nhỏ rất dễ bị vẹo cột sống, ngoài yếu tố bệnh lý bẩm sinh phần lớn là do sai tư thế sinh hoạt như ngồi, nằm, đi đứng… Trường hợp nhẹ thì ảnh hưởng thẩm mỹ; nặng hơn có thể tác động đến hệ tuần hoàn và hô hấp của cơ thể.
Quan trọng là phát hiện sớm, theo dõi, tiên lượng mức độ tiến triển của bệnh để có phương án điều trị phù hợp. Không phải trường hợp nào bị vẹo cột sống cũng cần phẫu thuật.
Giáo sư Stuart (phải), phó giáo sư Sơn (thứ 2 bên trái) khám cho một trẻ bị cong vẹo cột sống. Ảnh: N.P. |
Yếu tố ảnh hưởng đến diễn tiến của bệnh là góc vẹo cột sống và tuổi. Giáo sư Stuart L.Weinstein, nguyên Chủ tịch hội Phẫu thuật Hàn lâm Chấn thương Chỉnh hình Mỹ, cho biết người có góc vẹo cột sống trên 50 độ thì có thể tăng độ lệch lên đến 94 độ, kể cả người trưởng thành. Người trên 18 tuổi có góc vẹo dưới 30 độ thì không có nguy cơ lệch thêm.
Trẻ bị vẹo cột sống 20-40 độ có thể đeo đai nẹp để điều chỉnh lại cột sống. Phương pháp này giúp ngăn chặn tăng độ vẹo cột sống, không phải mổ song không giúp cải thiện tình trạng. Bệnh nhân thường phải đeo đai nẹp trên 14 giờ mỗi ngày.
Bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật khi phương pháp đeo đai nẹp không hiệu quả, góc vẹo tăng trên 50 độ, biến dạng cột sống… Bệnh viện Việt Đức gần đây áp dụng phương pháp nẹp tăng trưởng, tức nẹp có thể giãn nở theo tiến trình phát triển thể chất của trẻ. Trẻ em đang độ tuổi phát triển, quá trình chữa cong vẹo cột sống không như người trưởng thành. Định kỳ 6-9 tháng một lần, bác sĩ sẽ can thiệp giãn nẹp một lần để đảm bảo trẻ phát triển chiều cao.
Trong 5 ngày (4-8/6), giáo sư Stuart L.Weinstein thăm khám, tư vấn bệnh lý cột sống cho trẻ em Việt Nam và mổ thị phạm một số ca. Phẫu thuật cột sống trẻ em là kỹ thuật khó, đòi hỏi tay nghề chuyên môn cao của bác sĩ. |