Ảnh minh họa: Bellymagazine. |
Trả lời:
Chào cháu,
Cháu học lớp 10 là khoảng 16 tuổi. Tiếc là cháu không nói rõ chiều cao bao nhiêu, mà việc đánh giá dinh dưỡng của bác sĩ cần dựa vào sự cân đối giữa cân nặng và chiều cao. Nếu cháu cao 1,65 m thì cân nặng như thế là ở mức bình thường, nhưng nếu chỉ cao 1,5 m thì cháu đang bị béo phì.
Ở tuổi cháu cần kiểm soát cân nặng, không nên ăn theo sở thích vì có thể gây tăng cân quá mức sẽ rất khó điều chỉnh. Cháu cần thay đổi thói quen ăn uống. Nếu mập quá vừa không đẹp mà còn dễ sinh bệnh sau này đấy.
Đầu tiên, cháu phải tập thói quen ăn đúng giờ, đủ bữa, ngày 3 bữa chính sáng trưa chiều, không được bỏ bữa nào cả. Mỗi bữa ăn đầy đủ các nhóm chất gồm tinh bột, đạm, béo, rau, trái cây. Không ăn vặt, không ăn sau 20h. Trong ngày dùng thêm 2-3 hộp sữa không đường. Chọn lựa thực phẩm thông minh.
Lưu ý: Mỗi bữa cháu nên ăn chậm, vừa đủ no. Ăn vừa phải nhóm tinh bột. Ăn đủ nhóm đạm (thịt, cá, trứng, hải sản, đậu…), chỉ ăn nạc, không ăn mỡ, không ăn thực phẩm chế biến chiên quay nhiều dầu mỡ như gà rán, vịt quay, lạp xưởng, xúc xích… Tăng cường nhiều rau sống, dưa leo, cà chua, rau luộc, các món này cháu có thể ăn no mà không sợ tăng cân, có thể ăn khi thấy đói, khi thèm ăn. Ăn trái cây ít ngọt (ổi, mận, sơ ri, dứa, táo ta), hạn chế trái cây ngọt, không ăn thức ăn ngọt (bánh, kẹo, chè, kem, nước ngọt, trà sữa, bimbim…).
Bên cạnh đó, để cơ thể khỏe mạnh, không tăng cân, dáng đẹp, giảm mỡ bụng và phòng bệnh, cháu cần lưu ý vấn đề vận động. Nên chơi thường xuyên một môn thể thao ít nhất 60 phút mỗi ngày, 5 ngày trong tuần. Một số môn thể thao tốt cho lứa tuổi của cháu như bơi lội, các môn bóng, aerobic, yoga, gym… Điều cuối cùng cháu phải nhớ là nghỉ ngơi hợp lý, ngủ sớm, không thức quá khuya.
Chúc cháu khỏe mạnh và xinh đẹp.
Thân ái.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Minh Nguyệt