Home » Khỏe và đẹp » Cái kết có hậu của bà mẹ từ chối cho con hóa trị ung thư máu

Cái kết có hậu của bà mẹ từ chối cho con hóa trị ung thư máu

Trong ngôi nhà cổ thế kỷ 17 bên dòng sông ở Amsterdam (Hà Lan), Pia de Jong mơ mộng về một bé gái sau khi cùng chồng là Robbert sinh 2 con trai. Năm 2000, bé Charlotte chào đời biến mong ước của người mẹ trở thành sự thật.

cai-ket-co-hau-cua-ba-me-tu-choi-cho-con-hoa-tri-ung-thu-mau

Pia ôm con gái Charlotte 17 năm trước. Ảnh: DM.

Thế nhưng, giữa thời khắc hạnh phúc đó, y tá đỡ đẻ phát hiện vết đỏ tấy trên lưng Charlotte. Mỗi khi ấn vào, vết đỏ chuyển thành màu xanh tím và sau vài ngày đã lan ra khắp cơ thể em bé.

Kết quả sinh thiết tủy xương xác nhận nỗi sợ lớn nhất của bác sĩ: Charlotte mắc bệnh ung thư máu cực nguy hiểm và hiếm gặp. Khi ấy hiểu biết về ung thư máu còn hạn chế, đội ngũ y tế chỉ có thể đề nghị hóa trị song ai cũng hiểu phương pháp này nguy cơ giết chết đứa bé. Dù sống sót sau hóa trị, bệnh nhi cũng phải chịu đựng hàng loạt tác dụng phụ như mù hoặc vô sinh suốt đời.

Ngồi cạnh chồng trong phòng khám, Pia lặng người. Chờ một lúc, vị bác sĩ giả bộ ho để gây chú ý. Ông cần câu trả lời về biện pháp can thiệp cho Charlotte. Thay vì đồng ý, Pia mặc áo khoác rồi bế con gái lên. 

“Cô làm gì vậy?”, bác sĩ kinh ngạc. 

“Tôi đi đây”, bà mẹ đáp.

“Cô không thể đi như thế được, chúng ta ở đây để bàn luận quá trình điều trị cơ mà”.

“Chúng tôi sẽ không làm gì cả. Ba người chúng tôi sẽ về nhà”. 

Trở về nhà, Pia không nén được đau đớn. Nằm bên con gái đang ngủ, cô hôn bé thật khẽ, thật nhiều để gói lại mọi hơi ấm, mùi hương ngọt ngào của bé. “Charlotte, hãy ở lại với mẹ”, Pia thầm thì.

Bình tĩnh hơn, Pia bắt đầu lục tìm các tài liệu. Nếu không thể tránh khỏi cái kết đau lòng, cô cần biết cách nói với hai con trai rằng chúng sẽ mất đi cô em út yêu dấu. Bất ngờ, Robbert phát hiện bài báo về Sammy, cậu bé 8 tuổi ở Mỹ sinh ra với căn bệnh giống Charlotte. Dù không can thiệp, Sammy vẫn tự thuyên giảm. “Tôi muốn khóc và hét lên cùng một lúc”, Pia nhớ lại cảm xúc dâng trào.

Thế rồi, phép màu kỳ diệu đến với gia đình Pia. Trước lúc tắm cho con gái, Robbert nhận ra vết tấy đỏ sau lưng Charlotte đã biến mất, da bé cũng không còn chuyển xanh khi ấn. “Không biết làm cách nào nhưng con đã tự mình vượt qua”, Robbert nói. 

Ngày qua ngày, Charlotte khỏe lên trông thấy. Bé không còn nhợt nhạt mà trở nên hồng hào. Pia cùng Robbert tự hỏi có phải con đã khỏi bệnh song không dám hy vọng quá nhiều. Cuối cùng, họ vỡ òa trong hạnh phúc khi bác sĩ thông báo: “Các khối u đã biến mất. Những gì chúng tôi không dám hy vọng đã xảy ra. Cô bé đã bước vào giai đoạn thuyên giảm”.

Nước mắt rơi trên má, vị bác sĩ vòng tay ôm Pia. “Tôi đã nghĩ Charlotte không thể trụ nổi”, người thầy thuốc xúc động. “Tôi vô cùng tự hào. Cô bé thực sự đã tự mình chiến thắng”.

cai-ket-co-hau-cua-ba-me-tu-choi-cho-con-hoa-tri-ung-thu-mau-1

Charlotte 17 tuổi bên mẹ. Ảnh: Annaleen Louwes.

Một bệnh nhân được coi là khỏi ung thư máu nếu không tái phát sau 5 năm. Đối với trẻ em, rất khó để nói chắc chắn nhưng đã 17 năm trôi qua Charlotte vẫn rất khỏe mạnh. Bệnh nhi hồi ấy giờ đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, “vui tươi mà khôn ngoan, chín chắn”. 

Dù còn lo lắng, Pia khẳng định mình rất tin tưởng vào con gái. Mới đây, cô xuất bản cuốn sách mang tên Hồi sinh Charlotte – tấm lòng người mẹ và sức mạnh của trực giác với mong muốn kể lại câu chuyện phi thường đầy xúc động của gia đình.