Ngày 14/3, Stephen Hawking trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 76. Không chỉ nổi tiếng nhờ các công trình khoa học, “ông hoàng vật lý” còn khiến người khác nể phục bởi hơn 50 năm đấu tranh với chứng xơ cứng teo cơ một bên (ALS).
Stephen Hawking qua đời ở tuổi 76 sau 55 năm chống chọi với chứng xơ cứng teo cơ một bên. Ảnh: Thehindu. |
Theo WebMD, ALS là dạng bệnh tiến triển, nghiêm trọng dần theo năm tháng. Nó tấn công dây thần kinh trong não và tủy sống. ALS do bác sĩ Jean-Martin Charcot phát hiện vào năm 1869. Nó còn được gọi là bệnh Lou Gehrig, lấy tên cầu thủ bóng chày được chẩn đoán cách đây gần 80 năm.
Ban đầu, ALS khiến cơ bắp yếu hoặc cứng hơn. Bệnh nhân có thể gặp một số vấn đề về hoạt động tinh như cài cúc áo, xoay chìa khóa và ngã nhiều. Lâu dần, họ không thể chuyển động cánh tay, bắp chân, đầu và toàn thân.
Bệnh nhân ALS vẫn suy nghĩ và học tập được. Trí nhớ cùng khả năng ra quyết định bị ảnh hưởng song năm giác quan còn nguyên vẹn. ALS không gây đau đớn hay lây truyền nhưng tàn ác ở chỗ người bệnh nhận thức cơ thể bị tàn phá đến giây phút cuối cùng. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh qua đời vì suy hô hấp khi tế bào thần kinh kiểm soát cơ hô hấp ngừng hoạt động hoặc do suy dinh dưỡng, mất nước khi cơ kiểm soát hoạt động nuốt bị hư hại.
ALS được phân làm hai dạng bao gồm:
– ALS ngẫu nhiên: Dạng bệnh phổ biến nhất, xảy ra ở 95% bệnh nhân và không có nguyên nhân rõ ràng.
– ALS di truyền: Xảy ra ở 5-10% bệnh nhân, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác do gen. Nếu bố hoặc mẹ mang gen ALS, mỗi đứa con sinh ra sẽ có 50% nguy cơ thừa kế gen và mắc bệnh.
Bệnh nhân ALS thường sống thêm hai-ba năm kể từ ngày chẩn đoán. Tuy nhiên, thực tế cho thấy 20% số này chạm tới năm năm, 10% được 10 năm và 5% thậm chí vượt qua mốc 20 năm như Stephen Hawking. Ông sống chung với căn bệnh 55 năm.
Hiện khoa học vẫn chưa tìm ra cách chữa khỏi ALS. Gần đây, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ phê duyệt hai loại thuốc riluzole và edaravone giúp người bệnh kéo dài thời gian sống.
Cuộc chiến với ALS rõ ràng còn vô vàn khó khăn. Thế nhưng, nhờ Stephen Hawking, chắc chắn không ít bệnh nhân sẽ được tiếp thêm sức mạnh. Như nhà vật lý thiên tài từng nói: “Còn sự sống là còn hy vọng”.
Stephen William Hawking sinh ngày 8/1/1942 là nhà vật lý lý thuyết, vũ trụ học kiêm tác giả viết sách khoa học thường thức Anh. Ông đảm nhận vị trí giám đốc nghiên cứu Trung tâm Lý thuyết Vũ trụ học thuộc Đại học Cambridge. Trong số những công trình khoa học quan trọng của Hawking, nổi bật nhất là sự hợp tác với Roger Penrose về lý thuyết kỳ dị hấp dẫn trong khuôn khổ thuyết tương đối tổng quát và tiên đoán lý thuyết hố đen phát ra bức xạ (tức bức xạ Hawking). Năm 21 tuổi, Hawking được chẩn đoán mắc bệnh ALS. Ông hầu như liệt toàn thân, phải sử dụng xe lăn và giao tiếp qua thiết bị hỗ trợ gắn với máy tính. Mỗi khi cần nói, ông gõ chữ vào máy tính. |