Home » Khỏe và đẹp » Căn bệnh khó hiểu của kẻ sát nhân ‘cô đơn nhất thế giới’

Căn bệnh khó hiểu của kẻ sát nhân ‘cô đơn nhất thế giới’

Ai cũng nghĩ S là kẻ giết người “cô đơn nhất thế giới”. Hắn độc thân, chưa từng kết hôn, không con cái và chỉ có độc một người bạn. Hắn từng nghiện rượu, chỉ làm ca đêm vì muốn tránh mọi tiếp xúc và sống trong một chiếc xe tải ở Tây Bắc Thái Bình Dương. Bố mất, hắn đỗ xe trước cửa nhà mẹ đẻ để tiện chăm sóc người phụ nữ ốm yếu, già nua. Công khai quá khứ phạm tội, S khiến đội ngũ y bác sĩ hoảng sợ song tất cả chỉ nhằm che đậy một căn bệnh mà bản thân hắn không hề nhận thức.

Theo báo cáo trên tờ Journal of Forensic Sciences, S là con thứ trong một gia đình 3 con. Mẹ có tiền sử trầm cảm còn cha nghiện rượu nặng. S mô tả gia đình mình “rối loạn”, rất ít nguồn hỗ trợ tinh thần. Gã đàn ông phủ nhận bị lạm dụng tình dục nhưng trải qua tuổi thơ không mấy êm đềm với những trận đòn roi của bố.

Thời thanh niên, S nhập ngũ và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Rời quân đội, hắn rơi vào trầm cảm, hay nghe thấy tiếng nói trong đầu nên tìm đến một nữ bác sĩ tâm lý tập sự xin giúp đỡ.

Sau vài lần can thiệp, S thú nhận đã theo dõi, hãm hiếp và sát hại nhiều phụ nữ trong khoảng 20 năm từ ngày xuất ngũ. Từ chối nói ra con số nạn nhân cùng nơi chôn giấu thi thể họ, hắn tiết lộ mình luôn mang đồ nghề giết người đằng sau xe tải, bao gồm một sợi dây và hai bộ quần áo giống hệt nhau. S còn cho biết đang nhắm đến một phụ nữ mới gặp ở thư viện vài ngày trước.

Sợ hãi và cảm thấy bị đe dọa, nữ bác sĩ trẻ tuổi chuyển S sang người giám sát. “Không phải ngày nào nhà tâm lý cũng gặp sát nhân hàng loạt”, bác sĩ tâm thần Park Dietz, tác giả bài viết trên tờ Journal of Forensic Sciences nói. “Đó luôn luôn là một bất ngờ”.

can-benh-kho-hieu-cua-ke-sat-nhan-co-don-nhat-the-gioi

Ảnh minh họa: News.

Những buổi tiếp theo, S vẫn nghe thấy tiếng nói trong đầu. Vị bác sĩ mới đề nghị hắn gặp cảnh sát song tình trạng của S chuyển biến xấu đi. Gã phạm nhân bày tỏ ý định giết chỉ huy cũ và người yêu của bạn thân nhưng không chịu kể chi tiết.

Một ngày, S muốn tự cắt chân. Bị coi như mối nguy cho cả cộng đồng lẫn bản thân, hắn được đưa tới bệnh viện tâm thần. “Chúng tôi không giữ bệnh nhân vì quá khứ bạo lực nhưng ở đây anh ta có biểu hiện muốn đoạn chi và theo dõi người khác”, bác sĩ tâm thần Christopher Fischer từ Đại học Nam California cũng thuộc nhóm tác giả bài viết trên Journal of Forensic Sciences cho biết.

Các nhà điều tra vào cuộc, cố gắng truy tìm tung tích người phụ nữ ở thư viện, vị chỉ huy cũ, bạn gái của bạn thân S đồng thời yêu cầu cảnh sát Tây Bắc Thái Bình Dương kiểm tra các vụ án mạng chưa rõ hung thủ. Bên cạnh đó, họ đề nghị luật sư làm việc với tòa án để buộc S nhập viện 6 tháng.

“Trầm cảm nặng, loạn thần đi kèm triệu chứng mới là nghe thấy tiếng opera”, S vẫn vui vẻ lạ thường. Hắn bình tĩnh, chịu hợp tác, ngủ tốt, không bao giờ lẫn lộn hay mất phương hướng, thậm chí thể hiện trí óc minh mẫn qua những bài kiểm tra tâm lý. Đội ngũ y bác sĩ quyết định tăng liều thuốc chống trầm cảm. 2 ngày sau, S thông báo tiếng hát opera kia đã biến mất.

Đến đây, bệnh viện cùng đội điều tra nhận ra tất cả những gì S kể đều dối trá. Thuốc chống trầm cảm cần vài tuần mới phát huy tác dụng. Thời gian S phục vụ quân ngũ hoàn toàn êm đềm. Không án mạng nào liên quan đến hắn. Gã đàn ông không hề xuất hiện dấu hiệu bạo dâm dù đây là tiêu chuẩn xác định sát nhân hàng loạt. Các trắc nghiệm tâm lý cũng chỉ đưa ra biểu hiện nhân cách ái kỷ và rối loạn nhân cách ranh giới chứ không cho thấy xu hướng giết người. “Chúng tôi rốt cuộc đã tìm kiếm trong vô vọng”, Fischer cay đắng.

Vậy tại sao S nói dối? Đó là vì “muốn thu hút sự chú ý”. S chưa bao giờ theo dõi, hãm hiếp ai; thậm chí còn chẳng có ý định. Hắn dựng chuyện bởi khát khao trở thành bệnh nhân thú vị gây ấn tượng với nữ bác sĩ trẻ tuổi kia. “Anh ta xin lỗi, có vẻ xấu hổ”, Fischer miêu tả. “Điều kỳ lạ ở đây là bệnh nhân dường như không biết lời nói của mình làm người khác sợ hãi đến mức nào”.

Bị thôi thúc nói dối và kể những câu chuyện vô lý không nhất quán, S được kết luận mắc rối loạn giả tạo (factitious disorder), tình trạng bệnh nhân tự cho mình mang bệnh từ đó cố ý tạo hoặc thổi phồng các triệu chứng nhằm lấy sự đồng cảm, yêu thương. Trải qua chuỗi ngày cô độc, không khó hiểu khi S lo sợ mình không còn hấp dẫn để xây dựng mối quan hệ lâu dài cùng nhà tâm lý.

“Rối loạn giả tạo thực sự là một căn bệnh tâm thần”, Fischer khẳng định. “Tôi nghĩ trở thành một kẻ sát nhân hàng loạt mang đến cảm giác quyền lực, thú vị hơn”. Các chuyên gia nhận xét S bị ảnh hưởng bởi tên tội phạm Hannibal Lecter từ tác phẩm Sự Im lặng của Bầy cừu.

Sau 6 tháng nhập viện, S trở về cuộc sống bình thường. Khả năng hắn làm hại ai đó là rất thấp bởi S luôn thân thiện. Vấn đề là gã đàn ông sẽ sống tiếp như thế nào khi đã khước từ sự giúp đỡ đáng lẽ có được. “Khi bạn nói chuyện với bệnh nhân về rối loạn giả tạo, họ sẽ bỏ đi nơi khác để tìm kiếm sự cảm thông hằng mong muốn”, Fischer tóm gọn.

Minh Nguyên