Ban đầu, bạn chỉ cảm thấy khó chịu vì những cơn đau nhức mỏi thông thường và căng cứng cổ. Lâu dài, những cơn đau này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ xương và dây thần kinh.
Chị Trịnh Kim Ngân ở Hà Nội thường bị đau mỏi vai gáy do ngồi bàn giấy quá lâu và thường xuyên gập đầu trước màn hình máy tính. Chị luôn phải chịu đựng các cơn đau nhức mỏi kéo dài, dai dẳng, ngồi làm việc hay phải quay cổ, quay đầu. Có những lúc chị cảm giác như bị tê liệt tay, đến buổi tối khi nằm ngủ mới đỡ.
Chị Ngân chia sẻ: “Tôi bị chứng đau vai gáy nhiều năm nay nhưng chủ quan, gần đây đi khám mới biết nguy cơ bị thoái hóa đốt sống cổ”.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thông, Chủ nhiệm bộ môn thần kinh, Bệnh viện 108 cho biết nhân viên văn phòng dễ bị hội chứng đau vai gáy nhiều hơn cả. Giai đoạn đầu bệnh chỉ biểu hiện bằng đau nhức mỏi vùng cổ, vùng vai, sau đó sẽ lan xuống vai và nhức mỏi cánh tay, gọi là hội chứng cổ, vai, cánh tay. Nguy hiểm của hội chứng này không chỉ bởi nguy cơ dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến dây thần kinh.
Nghe bác sĩ Thông tư vấn phòng tránh đau vai gáy cổ
Theo bác sĩ Thông, dùng cao dán vào vùng vai gáy chỉ là một biện pháp giảm đau tạm thời. Quá trình thoái hóa xương khớp là sự đau trong bản thể, cho nên người bệnh cần điều trị chuyên khoa thần kinh, cơ xương khớp, phục hồi chức năng…
Để phòng ngừa và giảm triệu chứng đau vai gáy cổ, bạn nên:
– Luyện tập thể dục thường xuyên.
– Khi ngủ gối đầu vừa phải.
– Xoa bóp nhẹ nhàng lên vùng vai gáy kết hợp với vận động đầu.
– Có thể bấm huyệt nhưng cần làm rất nhẹ nhàng và từ từ để đạt hiệu quả.
Thúy Quỳnh