Đây là mô hình cấp cứu đột quỵ liên kết giữa các khoa và điều trị đa mô thức được ứng dụng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 từ năm 2014 đến nay. Ứng dụng đáp ứng tiêu chuẩn về thời gian vàng cho cấp cứu đột quỵ, giúp giảm tỷ lệ tử vong và mức độ tàn tật.
Bác Nguyễn Văn Tham, 76 tuổi tại Hà Đông ( Hà Nội ) được chuyển vào viện cấp cứu trong tình trạng liệt nửa người và không nói được. Ông Tham được kíp cấp cứu chụp chẩn đoán hình ảnh mạch não. Tại đây, thông qua hệ thống zalo và viber, hình ảnh mạch não của ông được chuyển đến nhóm cấp cứu đột quỵ, bao gồm các chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh, can thiệp tim mạch, phẫu thuật thần kinh và trung tâm đột quỵ não. Từ hình ảnh này, nhóm cấp cứu đột quỵ cùng nhau hội chẩn, đưa các phương pháp chữa trị kịp thời. Chưa đầy một giờ sau khi nhập viện, ông Tham đã được can thiệp thành công.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện 108 cho biết, chính điện thoại thông minh là công cụ để kết nối các nhóm làm việc với nhau một cách nhanh nhất, chạy đua với thời gian, đáp ứng trong khung giờ vàng cấp cứu điều trị cho bệnh nhân đột quỵ. Khi có bệnh nhân đến viện, bác sĩ sẽ sử dụng điện thoại để đăng tải tất cả hình ảnh của bệnh nhân lên nhóm, viber hoặc zalo. Các bác sĩ khác dù có mặt tại bệnh viện hay không đều có thể biết được tình trạng bệnh nhân, hội chẩn nhóm và đưa ra quyết định rất nhanh, không mất thời gian các khâu trình bày, hội chẩn, xét nghiệm,…
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuyến chia sẻ về ứng dụng cứu người đột quỵ
Không chỉ liên kết trong bệnh viện, mô hình cấp cứu đột quỵ nhờ tiện ích trên điện thoại còn kết nối vệ tinh với các bệnh viện gần Hà Nội như Bệnh viện 105 Sơn Tây, Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng, Bệnh viện Hà Nam, Bệnh viện đa khoa Bắc Ninh, Phú Thọ…
Khi bệnh viện tuyến dưới tiếp nhận bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ não, ngay lập tức dữ liệu đột quỵ sẽ được chuyển lên nhóm cấp cứu đột quỵ thông qua zalo và viber để bác sĩ nắm rõ. Khi bệnh nhân đến, chỉ việc đưa vào phòng cấp cứu chứ không cần làm các xét nghiệm từ đầu. Có những bệnh nhân sau khi hội chẩn nhóm, bác sĩ quyết định không cần chuyển lên tuyến trên mà điều trị ngay tại chỗ.
“Mục tiêu của nhóm là giúp bệnh nhân được tiếp cận điều trị thời gian ngắn tối đa khi khởi phát cơn đột quỵ, tăng cơ hội sống cho bệnh nhân”, tiến sĩ Tuyến cho biết
Theo thống kê từ Bệnh viện Quân đội 108, năm 2015 chỉ có 4% người bệnh được can thiệp bằng các ứng dụng này thì đến nay đã tăng lên 10%.
Thúy Quỳnh