Home » Khỏe và đẹp » Cắt u nang buồng trứng cho thai phụ bằng kỹ thuật nội soi

Cắt u nang buồng trứng cho thai phụ bằng kỹ thuật nội soi

cat-u-nang-buong-trung-cho-thai-phu-bang-ky-thuat-noi-soi

Ca phẫu thuật cắt u nang buồng trứng cho bệnh nhân bằng kỹ thuật nội soi. Ảnh: ĐHN.

Bác sĩ Đoàn Hữu Nghĩa, Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp cho biết, sau phẫu thuật nội soi khối u buồng trứng bên phải được bóc tách hoàn toàn, u không vỡ. Sức khỏe bệnh nhân hồi phục tốt, thai nhi an toàn, đã được xuất viện.

Theo bác sĩ Nghĩa, kỹ thuật mổ nội soi phổ biến ở Việt Nam, song đối với thai phụ phương pháp này áp dụng trong những trường hợp khá đặc biệt nhằm thay thế cho cách mổ hở. Trong quá trình tầm soát thai kỳ, nhiều bà bầu phát hiện bị u nang buồng trứng và hoang mang không biết phải điều trị thế nào. Họ lo sợ mang u nang suốt thai kỳ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của đứa con trong bụng, trong khi phẫu thuật cắt u lại khó thể đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

Trên thực tế, hầu hết khối u ở phần phụ (như buồng trứng và ống dẫn trứng) là lành tính và không có triệu chứng. Phương pháp điều trị thường quy là mổ hở bóc tách u, tuy nhiên trong trường hợp thai phụ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai biến cho đứa trẻ trong bụng. Do vậy áp dụng phẫu thuật nội soi sẽ an toàn hơn nhiều.

Bác sĩ Nghĩa cho biết đa số thai phụ bị u nang buồng trứng có thể điều trị bảo tồn, 51-70% khối u biến mất trong thai kỳ. Khoảng 10% khối u còn tồn tại trong quá trình mang thai thường là ác tính. Các khối u tồn tại có kích thước từ 4 cm trở lên thì tỷ lệ xoắn là 15%, thường gặp nhất ở tuần thứ 10 đến 17 của thai kỳ. Một số trường hợp xoắn có thể xảy ra trong quá trình chuyển dạ và hậu sản. Khối u kích thước từ 6 đến 8 cm, nguy cơ xoắn cao hơn.

U nang buồng trứng được chỉ định phẫu thuật khi có nghi ngờ ác tính (u đặc, u nang hỗn hợp hoặc kích thước lớn từ 10 cm trở lên), có biến chứng cấp tính như xoắn, vỡ, khối u có thể gây ra các tai biến sản khoa. Mục đích của phẫu thuật là chẩn đoán bệnh ác tính ở giai đoạn sớm để kịp thời điều trị, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng như xoắn, vỡ hoặc cản trở chuyển dạ ở những phụ nữ có u lành tính.

Lưu ý: Phẫu thuật khẩn cấp một khối u ở phần phụ do xoắn hoặc vỡ có thể dẫn đến sảy thai và sinh non. Để giảm thiểu tai biến, tốt nhất nên phẫu thuật cắt u nang buồng trứng vào khoảng thời gian đầu của 3 tháng giữa thai kỳ. Ở giai đoạn này, các cơ quan của thai nhi đã phát triển hoàn chỉnh nên giảm nguy cơ dị tật thai do thuốc. Lúc này, các chức năng nội tiết của hoàng thể đã được thay thế bởi nhau thai nên nguy cơ sảy thai do phẫu thuật cũng thấp hơn.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi