Home » Khỏe và đẹp » Cấy da cứu cụ bà bị xe tải nghiền nát một bên chân

Cấy da cứu cụ bà bị xe tải nghiền nát một bên chân

Sau hơn một tháng điều trị, các bác sĩ Bệnh viện 19-8, Bộ Công an đã tái tạo lại toàn bộ phần thịt, da một bên chân bệnh nhân. Hiện bà Ngân đã có thể đi lại và sinh hoạt như bình thường.

Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện 19-8 trong tình trạng nguy kịch, bị mất hoàn toàn phần thịt và da một bên chân. Các bác sĩ khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện đã điều trị vết thương bằng liệu pháp tiên tiến hút áp lực chân không (VAC). Các dịch thải được hút ra ngoài thường xuyên qua một đường ống dẫn, người bệnh 4-5 ngày mới phải thay băng một lần, khả năng chống nhiễm trùng rất cao. Với một số kỹ thuật cũ, việc thay băng được thực hiện hằng ngày khiến bệnh nhân phải chịu đau đớn, dễ bị nhiễm trùng, khả năng phục hồi thấp.

cay-da-cuu-cu-ba-bi-xe-tai-nghien-nat-mot-ben-chan

Với kỹ thuật hút áp lực chân không, bệnh nhân bớt đi đau đớn khi không phải thay băng hằng ngày. Ảnh: WN.

Bác sĩ Vũ Hải Nam, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình bệnh viện cho biết một trong những tính chất ưu việt nhất của kỹ thuật này là kích thích các tổ chức hạt mọc liên tục, giúp quá trình tái tạo da và ghép da được thực hiện nhanh và hiệu quả hơn. Giống như xây nền móng cho một ngôi nhà, ngôi nhà đó muốn được bền đẹp, tiến độ thi công nhanh, thì cái móng nhà phải được xây kiên cố. Kỹ thuật này tạo “nền nhà” sạch (tránh nhiễm trùng), đẹp (tính thẩm mỹ), phẳng (ghép da được nhanh hơn).

Cũng theo bác sĩ Nam, kỹ thuật VAC được thực hiện trên cơ thể người bị tổn thương nặng. Sau khoảng 10-14 ngày điều trị bằng kỹ thuật này, bệnh nhân đã có thể tiến hành quá trình tái tạo da bằng việc ghép da lưới. Các bác sĩ sẽ lấy một vùng da chỗ khác trên người bệnh, sau đó đưa vào máy kéo giãn da, để làm nhiệm vụ che phủ bên ngoài toàn bộ phần da chân đã bị mất.

Với liệu trình trước đây khi chưa dùng đến kỹ thuật VAC, bệnh nhân phải mất thời gian gấp 3-4 lần cho quá trình tạo “nền nhà”.

2 năm qua kỹ thuật VAC được sử dụng nhiều, giúp tái tạo lại những vùng thịt, da của bệnh nhân bị tổn thương nặng như bị bỏng, bị tai nạn giao thông…Bệnh viện 19-8 đã cải tiến một số kỹ thuật để giảm chi phí điều trị cho người bệnh như cải tiến hệ thống áp lực âm ở tường đưa vào quá trình điều trị.

>> Xem thêm

Lần đầu tiên tái tạo cả gương mặt cho người bị tạt axit
Bỏng axit khiến bệnh nhân sống không bằng chết

An Thảo