Bệnh nhân điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 10/2 trong tình trạng sưng tuyến mang tai, sốt nhẹ, tinh hoàn sưng đau, nóng, đỏ. Lây bệnh từ một người bạn, mới đầu cậu sưng tuyến mang tai bên phải sau đó lan sang bên trái, sốt cao; sau 4 ngày thì đau cả tinh hoàn bên trái. Lo lắng bị vô sinh sau này nên cậu vào viện khám.
Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau 4 ngày điều trị sức khỏe bệnh nhân ổn định, có thể xuất viện, tinh hoàn đỡ đau. Tuy nhiên bệnh nhân cần theo dõi lâu dài khả năng dẫn đến vô sinh.
Sau 4 ngày điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân đã có thể xuất viện. Ảnh: N.P. |
Theo tiến sĩ Cường tâm lý chung nam giới thường rất lo lắng khi thấy tinh hoàn sưng đau, kích thước to gấp 2-3 lần bình thường. Sau một tuần, bệnh nhân sẽ hết sưng dù điều trị hay không. 70% bệnh nhân sưng một bên tinh hoàn, 30% sưng cả hai bên. Thường khả năng dẫn đến vô sinh do sưng cả 2 bên tinh hoàn cao hơn, tuy nhiên điều đó không có nghĩa cứ sưng tinh hoàn là dẫn đến teo tinh hoàn hay vô sinh mà cần theo dõi lâu dài.
Trẻ trai mắc quai bị trước tuổi dậy thì thường chỉ sưng tuyến mang tai, sau tuổi dậy thì có thể bị viêm tinh hoàn. Nữ bị bệnh quai bị có thể dẫn đến viêm buồng trứng.
Ngoài biến chứng trên, bệnh nhân có thể bị biến chứng viêm tụy cấp, viêm não, viêm màng não (rất ít gặp)… Trong 20 năm làm việc, bác sĩ Cường gặp một bệnh nhân biến chứng thần kinh, hôn mê, sau đó tử vong.
Khi mắc bệnh, bệnh nhân sốt cao, sưng tuyến nước bọt thường sưng cả 2 bên, ngoài ra có thể sưng tuyến dưới lưỡi, tuyến dưới hàm. Nếu sau đó sốt trở lại, bệnh nhân nam thường có biến chứng sưng, đau tinh hoàn. Bệnh do virus nên không có thuốc điều trị đặc hiệu, điều trị triệu chứng là chủ yếu: giảm sốt, giảm đau…
Theo bác sĩ Cường, 5-7 năm qua khoa tiếp nhận nhiều người lớn mắc quai bị. Dịch nếu xảy ra sẽ dai dẳng khó dập tắt. Bệnh có khả năng lây lan ngay từ trong thời gian ủ bệnh, thậm chí sau khi khỏi bệnh một tuần vẫn còn virus. Sau khi mắc bệnh, bệnh nhân có miễn dịch lâu dài và rất hiếm khi tái phát.
Để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:
– Thường xuyên rửa tay với xà phòng, bảo đảm vệ sinh nhà ở, lớp học, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là đường hô hấp.
– Tiêm văcxin phòng bệnh quai bị (văcxin dịch vụ). Văcxin quai bị rất quan trọng cho trẻ dậy thì, thiếu niên và người trưởng thành chưa có miễn dịch.
– Người bệnh phải nghỉ tại nhà để cách ly (khoảng 10 ngày), tránh lây lan cho người khác.
– Người bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh phải đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử trí kịp thời, đặc biệt là với những trường hợp khó nuốt, khó thở, viêm tinh hoàn.
>> Xem thêm:
– Gửi tinh trùng cho ngân hàng chờ được làm bố
Phương Trang