Theo Reuters, cột mốc quan trọng đã được xác nhận tại châu Mỹ sau nhiều năm liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới bệnh sởi. “Đây thực sự là một hành động lịch sử”, Carissa Etienne, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới WHO tại văn phòng khu vực châu Mỹ cho biết.
Các ổ dịch cuối cùng của bệnh sởi tại châu Mỹ xảy ra ở Venezuela vào năm 2002. Hơn 20 năm qua, châu lục này đã nỗ lực phát động các chương trình tiêm ngừa. “Tuy nhiên mọi người vẫn cần phải tiếp tục tiêm phòng để duy trì loại bỏ hoàn toàn”, WHO khuyến cáo. Việc bị nhiễm virus sởi từ các nước bên ngoài vẫn có thể tạo ra những ổ dịch bệnh nếu không được miễn dịch đầy đủ.
Nỗ lực tiêm ngừa đã giúp châu Mỹ thanh toán được dịch sởi. Ảnh: Reuteur. |
Trên toàn thế giới, bệnh sởi vẫn là một nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Khoảng 250.000 người đã bị nhiễm bệnh sởi vào năm ngoái, hầu hết ở châu Phi và châu Á. Theo WHO, virus sởi có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như tiêu chảy, mất nước, nhiễm trùng đường hô hấp và viêm não.
Sởi là căn bệnh có thể ngăn ngừa bằng văcxin thứ 5 đã được loại bỏ ở châu Mỹ, sau bệnh đậu mùa năm 1971, bệnh bại liệt năm 1994, rubella và hội chứng rubella bẩm sinh trong năm 2015.
Lê Phương