Chương trình “Sữa học đường” nhằm đảm bảo học sinh mầm non và tiểu học được uống sữa thường xuyên, đều đặn để cải thiện sức khỏe, chiều cao. Hoạt động này cũng nằm trong các mục tiêu thiên niên kỷ của Việt Nam
Theo đó, đến năm 2020, chiều cao trung bình của trẻ 6 tuổi sẽ phải tăng 1,5-2cm ở cả bé trai và gái so với năm 2010. 100% số học sinh mẫu giáo và tiểu học của các huyện nghèo được uống sữa. Chương trình cũng đặt mục tiêu đáp ứng 90-95% nhu cầu năng lượng của các bé mẫu giáo và tiểu học trong 4 năm tới.
Tại Đồng Nai, tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân dưới 6 tuổi đã giảm từ 9% xuống 6,2% và thể thấp còi giảm từ 10% xuống 7,5% sau 3 năm thực hiện. |
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chế độ ăn của trẻ cần nhiều vi chất để đảm bảo sự phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế và nhận thức chưa cao, trẻ em Việt Nam đang đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi, tỷ lệ này chiếm đến 25% ở trẻ dưới 5 tuổi (theo số liệu của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2015).
Để cải thiện tình trạng trên, ngoài chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, trẻ cần được uống sữa mỗi ngày nhằm bổ sung kịp thời các dưỡng chất thiếu hụt, giúp nâng cao thể trạng, hệ miễn dịch, tiêu hóa. Sữa không chỉ giúp bổ sung dinh dưỡng cho nhu cầu tăng trưởng mà còn cung cấp canxi cần thiết cho sự phát triển chiều cao.
Nhằm đảm bảo cho học sinh mầm non và tiểu học được uống sữa mỗi ngày, từ năm 2007, chương trình “Sữa học đường” đã triển khai rải rác ở một số tỉnh thành, có sự tham gia của Công ty Vinamilk và Công ty Tetra Pak.
Bà Rịa Vũng Tàu là tỉnh đầu tiên được chọn thí điểm vào năm 2007, Bắc Ninh năm 2013 và Đồng Nai năm 2014. Theo đó, tại Bà Rịa Vũng Tàu, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 6 tuổi từ 10% (2006) còn 1,6% (2015); suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm từ 4,7% (2012) xuống 2,7% (2015).
Tại Bắc Ninh, nơi triển khai chương trình đầu tiên ở phía Bắc, tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân, thấp còi còn 2,3% và 3,8% vào năm 2015. Ở Đồng Nai là 6,2% và 7,5%, thay vì 9-10% như 2013.
“Sữa học đường” hứa hẹn nâng chiều cao trung bình của trẻ em Việt thêm 1,5 đến 2cm năm 2020. |
Ông Nguyễn Hồng Sinh, Giám đốc Kinh doanh toàn quốc của Vinamilk chia sẻ: “Chương trình đem đến sản phẩm đã được nghiên cứu bổ sung vi chất cần thiết cho lứa tuổi học đường. Với sự tham vấn của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, công ty mong muốn học sinh được uống sữa mỗi ngày để cung cấp đầy đủ dưỡng chất trong suốt năm học.”
Với kinh nghiệm hơn 50 năm hỗ trợ “Sữa học đường” tại 56 quốc gia, Tetra Pak Việt Nam là đơn vị tư vấn triển khai, tập huấn, hướng dẫn thực hành… Ông Robert Graves, tổng giám đốc công ty cho biết: “Công nghệ chế biến và đóng gói tiệt trùng của Tetra Pak giúp mang các hộp sữa an toàn, chất lượng tới cho học sinh toàn cầu”.
Các giáo viên sẽ được tập huấn cách triển khai để chương trình đạt hiệu quả tối ưu. |
Mô hình “Sữa học đường” được Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) thuộc Liên Hiệp Quốc (UN) kêu gọi và ủng hộ. Với lịch sử hơn 100 năm tại các nước phát triển và hơn 50 năm tại các nước đang phát triển, chương trình ngày càng lan rộng trên toàn cầu và được đánh giá là có khả năng làm giảm gánh nặng chi phí cho y tế, giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng, đem lại sự phát triển lành mạnh cho trẻ về thể chất lẫn trí tuệ, nâng cao kết quả học tập.
Chị Phan Thị Mỹ Hạnh tại Đồng Nai chia sẻ: “Từ khi cháu được tiếp xúc với chương trình Sữa học đường, tôi luôn theo sát sự phát triển của con hang ngày. Tôi nhận thấy cháu có một số sự thay đổi vượt trội, về chiều cao tăng trưởng đều đặn hàng tháng, cháu nhanh nhẹn, lanh lợi, trí thông minh nhạy bén hơn.”
“Sữa học đường” đã giúp tăng chiều cao trung bình của nam thanh niên Nhật từ mức 1m50, thấp gần nhất châu Á, lên 1m72 ngày nay.
Với thành quả lý tưởng này, trong năm học 2016, Vinamilk sẽ đóng góp số tiền hơn 20 tỷ đồng để hỗ trợ chương trình tại 20 tỉnh trên toàn quốc, tương đương gần 4 triệu hộp sữa cho các em học sinh. Ngoài 3 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bắc Ninh sẽ tiếp tục thực hiện, thì Vinamilk sẽ tiếp tục nhân rộng chương trình tại 3 tỉnh Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, ba địa phương có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi khá cao, lần lượt là 22,7%, 13,7%, và 24,8%.
Thi Quân