Vợ chồng tôi bị hiếm muộn 5 năm nay, điều trị nhiều nơi chưa có kết quả. Bác sĩ chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm nhưng anh ấy chưa đồng ý vì lo sợ quá trình thụ tinh trong ống nghiệm bệnh viện không lấy đúng mẫu tinh trùng của anh hoặc lấy nhầm tinh trùng của người khác để thụ tinh cho tôi. Xin hỏi lo lắng của chồng tôi có cơ sở không? Mong bác sĩ tư vấn giúp để tôi giải thích với anh ấy. Xin cám ơn. (Hà Thu, 32 tuổi).
Ảnh minh họa: News. |
Trả lời:
Chào bạn,
Câu hỏi bạn đặt ra không chỉ lo ngại của riêng vợ chồng bạn mà còn là mối bận tâm của rất nhiều các cặp vợ chồng hiếm muộn. Nỗi lo “không phải con mình” đã hạn chế và ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định của các cặp vợ chồng khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Chính vì vậy, việc kiểm soát để tránh nhầm lẫn mẫu tinh trùng, noãn, phôi được xác định là vấn đề quan trọng, phải đặt lên hàng đầu của tất cả các trung tâm hỗ trợ sinh sản.
Trên thế giới từng xảy ra một số trường hợp nhầm lẫn mẫu tinh trùng tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản lớn như trường hợp bệnh nhân Nancy Andrews ở NewYork hay Trung tâm Thomson, Singapore. Một cặp vợ chồng hiếm muộn sau khi sinh phát hiện em bé có màu da và màu tóc không giống mình. Kiểm tra AND thì phát hiện có sự nhầm lẫn mẫu tinh trùng của người chồng khi làm thụ tinh ống nghiệm. Mới đây nhất, năm 2016 tại Hà Lan, 26 phụ nữ điều trị hỗ trợ sinh sản tại trung tâm Y tế Đại học Utrecht cũng nghi ngờ bị nhầm mẫu tinh trùng.
Trên thực tế, việc nhầm lẫn hay sự cố y khoa đều có thể xảy ra ở bất kỳ bệnh viện và bất cứ lĩnh vực nào. Trong hỗ trợ sinh sản, nhầm lẫn là sự cố đặc biệt nghiêm trọng, không thể chấp nhận được vì nó để lại hậu quả khôn lường, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và tương lai của đứa trẻ. Do đó, các trung tâm hỗ trợ sinh sản uy tín khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm triển khai rất nhiều quy trình và các bước nghiêm ngặt để đảm bảo giảm thiểu tối đa tất cả sai sót.
Chẳng hạn, quy trình chúng tôi đang áp dụng tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội như sau:
– Kiểm tra thông tin bệnh nhân. Nhân viên y tế hỏi 5 chỉ số như họ tên vợ và ngày tháng năm sinh, họ tên chồng và ngày tháng năm sinh, mã số bệnh nhân (hoặc số điện thoại). Quá trình hỏi và trả lời của bệnh nhân được thực hiện từ khi làm thủ tục hồ sơ, xét nghiệm, siêu âm, đơn thuốc, trước khi vào phòng chọc trứng, chuyển phôi đến khi vào phòng chọc trứng, chuyển phôi. Đây là việc rất quan trọng thực hiện xuyên suốt nhằm đảm bảo các kỹ thuật được thực hiện đúng bệnh nhân.
– Yêu cầu bệnh nhân nộp chứng minh nhân dân, đăng ký kết hôn và mang chứng minh thư gốc để đối chiếu khi lấy mẫu tinh trùng và vào phòng chọc trứng, chuyển phôi. Đây là bước cần thiết để bảo vệ bệnh nhân, đảm bảo triển khai dịch vụ cho chính bệnh nhân đó và nhân viên y tế không thể nhầm lẫn.
– Thực hiện “double check”, nghĩa là kiểm tra thông tin chéo giữa 2 nhân viên y tế về các thông tin của bệnh nhân từ khi làm hồ sơ đến lúc lấy tinh trùng, lọc rửa tinh trùng và tìm noãn, rửa noãn, tách noãn, chích thụ tinh đến khi kiểm tra phôi, chuyển phôi… Tất cả các bước này yêu cầu tối thiểu hai người kiểm tra đọc to, rõ ràng tên bệnh nhân để đảm bảo các kỹ thuật đang thực hiện trên tinh trùng, noãn và phôi của bệnh nhân đó.
– Trong quá trình thực hiện, nhân viên y tế phải đảm bảo một mẫu duy nhất trên các vị trí thao tác trong quá trình lọc rửa tinh trùng, tìm noãn, tách noãn… để loại trừ khả năng nhầm lẫn.
– Lưu lại mẫu ADN của tinh trùng để sau này có thể kiểm tra lại.
Những biện pháp trên được quy định rất nghiêm ngặt nhằm đảm bảo không xảy ra nhầm lẫn tinh trùng, noãn, phôi như chồng bạn lo lắng. Vì vậy, bạn hãy động viên anh ấy yên tâm đi kiểm tra sớm để được thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản phù hợp, tăng cơ hội có thai.
Thân ái.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hiền
Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản
Phó Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội