Home » Khỏe và đẹp » Chữa đau đầu bằng châm cứu kết hợp tiêm thuốc

Chữa đau đầu bằng châm cứu kết hợp tiêm thuốc

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nhâm Chấn Phát, Viện Y dư học dân tộc, TP HCM, cho biết đau đầu là triệu chứng phổ biến trong các bệnh lý tai mũi họng, răng hàm mặt… Cơn đau có thể xuất phát từ các tổn thương do u não, áp xe não, dị dạng mạch não, viêm nhiễm ở hệ thần kinh… 

chua-dau-dau-bang-cham-cuu-ket-hop-tiem-thuoc

Bác sĩ đang điều trị thủy châm cho bệnh nhân tại Viện Y dược học dân tộc. Ảnh: TT.

Y học cổ truyền gọi triệu chứng đau đầu, đau nửa đầu là “đầu thống”, nằm trong chứng tâm căn suy nhược. Bệnh có thể do yếu tố bên ngoài tác động hoặc rối loạn hoạt động của các tạng phủ bên trong. Các chuyên gia dùng phương pháp thủy châm là kết hợp giữa châm cứu và tiêm thuốc vào huyệt để điều trị. Một số huyệt được châm gồm cách du, can du, khúc trì, đại chùy, phong long, túc tam lý…

Bác sĩ Phát lưu ý phương pháp này chỉ áp dụng cho các bệnh nhân bị đau đầu do tâm căn suy nhược, đau đã rõ nguyên nhân, có chỉ định kết hợp thêm điện châm. Không áp dụng cho người bị đau đầu do tổn thương ở giai đoạn cấp.

Thao tác thủy châm khá khó nên cần thực hiện bởi bác sĩ, y sĩ, lương y được đào tạo chuyên môn. Thủy châm mỗi ngày một lần, mỗi lần vào 2- 3 huyệt. Một liệu trình điều trị 10-15 lần, có thể tiến hành 2-3 liệu trình liên tục. Quy trình này đã được Bộ Y tế công nhận, mới đây Bệnh viện Châm cứu Trung ương chuyển giao cho Viện Y dược học dân tộc.

Bệnh nhân sau khi thủy châm cần được theo dõi tại chỗ và toàn thân. Trường hợp bị tai biến (vựng châm) với triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, mạch nhanh, sắc mặt nhợt nhạt, phải rút kim ra ngay, lau mồ hôi, ủ ấm, uống nước chè đường nóng, nằm nghỉ tại chỗ. Day bấm các huyệt thái dương, nội quan, đồng thời theo dõi chỉ số mạch, huyết áp.