Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết Khoa Thận nhân tạo đang điều trị chạy thận cho hơn 100 bệnh nhân. Sau ca tai biến với 18 người chạy thận sáng 29/5, khoa Thận nhân tạo phải niêm phong toàn bộ trang thiết bị, thuốc men, hóa chất phục vụ cho công tác điều tra nguyên nhân. Bệnh viện ngừng tiếp nhận tất cả ca chạy thận nhân tạo khác.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình Trần Quang Khánh, ngành y tế đang xây dựng kế hoạch phân hơn 100 bệnh nhân còn lại phải chạy thận nhân tạo. Khoảng 24 trường hợp nặng được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa thành phố Hòa Bình để chạy thận. Nơi đây chỉ có thể tiếp nhận số ít bệnh nhân và chia 4 ca chạy thận một ngày. Hơn 100 bệnh nhân khác sẽ được chuyển về Hà Nội.
Bác sĩ cấp cứu bệnh nhân chạy thận nhân tạo nghi bị sốc phản vệ. Ảnh: N.P. |
Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai đang cùng ê kíp hỗ trợ đồng nghiệp Bệnh viện Hòa Bình cứu các nạn nhân, cũng cho biết dự kiến sáng 30/5 sẽ chuyển hơn 100 bệnh nhân còn lại về Hà Nội để kịp chạy thận nhân tạo. Tiến sĩ Cơ đánh giá sự cố 18 người nghi sốc phản vệ đã khiến nhiều bệnh nhân ngày 29/5 đã không được chạy thận nhân tạo nên có nguy cơ tăng urê gây nguy hiểm đến tính mạng.
“Vì thế, các bệnh nhân nặng thì đề nghị ở lại Bệnh viện thành phố Hòa Bình chạy thận tiếp tục, bệnh nhân có thể đi được thì vận chuyển về Hà Nội. Khi chuyển viện, bệnh viện cần chuẩn bị nhân lực trang thiết bị cần thiết để phòng tình huống xấu với các bệnh nhân”, tiến sĩ Cơ cho biết phương án.
Trong số 18 người bị nghi sốc phản vệ có 10 bệnh nhân sức khỏe tạm thời ổn định song tiến sĩ Cơ cho rằng chưa thể khẳng định chắc chắn đã qua cơn nguy kịch; 2 người khác đang nguy kịch. Các bệnh nhân này được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai ngay trong đêm 29/5.
Sáng 29/5, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình thì có dấu hiệu nghi sốc phản vệ. 6 người tử vong sau đó. Bộ Y tế đánh giá đây là sự cố y khoa nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua. Nguyên nhân gây tai biến đang được điều tra.
Nam Phương