Home » Khỏe và đẹp » Cô gái quyết trở thành bác sĩ sau khi chiến thắng ung thư

Cô gái quyết trở thành bác sĩ sau khi chiến thắng ung thư

Angeline Lo nhớ như in khi phát hiện ung thư. Một ngày, sau khi Lo tắm xong, mẹ giúp cô chải tóc, bà thảng thốt khi thấy da đầu của con gái có dấu hiệu bị sưng. Nghi ngờ chuyện chẳng lành, người mẹ đưa Lo đến gặp một bác sĩ phẫu thuật thần kinh. Kết quả chụp CT cắt lớp cho thấy có một khối u nhô lên trên da đầu. Ca phẫu thuật sau đó cho thấy đây là khối u não ác tính.

Vào thời điểm đó Lo không biết căn bệnh này nguy hiểm cỡ nào. Cô nhớ lại: “Tôi còn quá bé và không nhận ra đây là một tình trạng nghiêm trọng có thể ảnh hưởng tới tính mạng. Tôi chỉ buồn vì không được đi học trong vài tháng”.

Bố mẹ Lo cố gắng làm dịu tình thế bằng cách giải thích với con gái rằng khối u cô đang mang là lành tính. “Tôi chỉ nhận ra đó là ung thư khi tôi trở thành sinh viên y khoa”, cô gái nhớ lại. Lo đã phải trải qua hai cuộc đại phẫu thuật não, được thực hiện bởi một trong những phẫu thuật viên hàng đầu Singapore, bác Fung Ching Fai, tại bệnh viện Queen Mary. “Ông đã cứu sống tôi”, Lo nói với tấm lòng biết ơn.

Trong ca phẫu thuật đầu tiên, khối u được loại bỏ cùng với một phần xương sọ, để lại một phần của đầu cô “mềm” vì không có xương bảo vệ. Sau đó bệnh nhân được hoá trị liệu và phẫu thuật đưa một mẩu xương sọ nhân tạo vào để “trùm” kín toàn bộ não.

Trong thời gian đó, cả gia đình từ bố, mẹ, ông bà, tới cô, dì chú, bác đều vây quanh Lo. “Mọi người luôn nhiệt tình giúp đỡ và vẫn hành xử như bình thường. Tôi tin rằng họ muốn giữ cho mình bình tĩnh”, cô nói. “Mọi người còn nấu rất nhiều món ngon và bổ dưỡng cho tôi trong suốt thời gian đó”.

Lo được giới thiệu tới gặp bác sĩ Anselm Lee, chuyên gia ung thư cao cấp về Ung bướu nhi. Bác Lee và các bác sĩ điều trị là những người đã truyền cảm hứng cho Lo theo đuổi khát khao trở thành bác sĩ. “Họ có ảnh hưởng lớn tới tôi. Các bác sĩ là hình mẫu của tôi”, cô nói. “Tôi học từ họ rằng chữa trị cho bệnh nhân không chỉ là chữa bệnh. Tôi muốn phục vụ tất cả bệnh nhân của mình với một trái tim nhân từ và sự đồng cảm”.

co-gai-quyet-tro-thanh-bac-si-sau-khi-chien-thang-ung-thu

Dù mắc bệnh hiểm nghèo, Lo vẫn giữ thái độ sống vui tươi lạc quan. Ảnh: PCC.

Sự quan tâm và chia sẻ của các bác sĩ đã giúp Lo vượt qua giai đoạn khó khăn trong quá trình hoá trị. Ngoài cơn đau tại vết mổ trên đầu hành hạ, cô còn bị giảm bạch cầu và sốt cao sau mỗi đợt hoá trị. “Tôi bị nôn, rụng tóc và loét môi”, cô nhớ lại. “Mỗi lần như thế tôi phải quay lại ngay khu điều trị nội trú để được cách ly và dùng kháng sinh. Lúc đó tôi cảm thấy vô cùng yếu ớt”.

Mặc những cơn đau và các tác dụng phụ khác, Lo luôn cố gắng cư xử tốt và hợp tác với bác sĩ điều trị. “Tôi chưa bao giờ khóc khi đang hoá trị hay khi được đẩy tới khu phòng mổ để phẫu thuật, vì tôi không muốn gia đình mình phải lo lắng thêm nữa”, cô kể. Chỉ một lần duy nhất Lo nổi cáu và bỏ ăn khi nghe bảo sẽ bị bác sĩ chọc dò vùng thắt lưng để kiểm tra thêm và lịch xuất viện bị đẩy lùi thêm hai ngày nữa.

Hiệu trưởng trường tiểu học của Lo ngày ấy, nữ tu Lee, cũng tới thăm và dạy cô học trò nhỏ cầu nguyện. “Tôi bắt đầu xây dựng niềm tin ở Chúa qua những lời cầu nguyện đã cho tôi sức mạnh và sự thanh thản. Tôi đã rửa tội và trở thành người Công giáo sau khi hồi phục hoàn toàn”, cô gái kể.

Dù còn nhỏ, song Lo luôn ý thức học cách thích nghi với tác dụng phụ của việc điều trị bệnh. Sau ca phẫu thuật đầu tiên, cô luôn ý thức bảo vệ đầu cẩn thận vì một phần xương sọ đã bị lấy đi. Cô còn bị ức chế miễn dịch sau hóa trị nên không ra khỏi nhà để tránh nguy cơ nhiễm trùng. Lo luôn giữ cho nhà cửa sạch sẽ và nghỉ ngơi điều độ, ăn nhiều hơn để cơ thể khỏe mạnh.

Ngay cả sau khi hồi phục hoàn toàn, Lo vẫn tránh chơi các môn thể thao như bóng chuyền hay bóng rổ, để không bị chấn thương đầu. Không được đến trường, Lo vẫn tìm mọi cách để học và ôn bài tại nhà. Rất may cô học sinh lớp 5 đã thi đậu cuối kỳ và được lên lớp 6, mặc dù trong nửa năm đó em không thể tới trường.

Trong thời gian ở bệnh viện, Lo thấy đồng cảm hơn với những bệnh nhân nhi và những người bị gia đình bỏ rơi vì tàn tật hoặc dị chứng bẩm sinh. Cô cảm nhận mình là người may mắn nên luôn trân trọng tất cả những gì đang có. Điều này càng thôi thúc Lo quyết tâm trở thành bác sĩ để giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn.

Angeline Lo

Bác sĩ Angeline Lo (trái) tham gia hoạt động tình nguyện vì bệnh nhân ung thư. Ảnh: PCC.

Đến nay, sau gần 25 năm chiến thắng ung thư, bác sĩ Lo đã hoàn thành được ước mơ của mình, trở thành một chuyên gia về tiêu hóa và bệnh gan tại bệnh viện Prince of Wales ở Hong Kong. Cô sống và làm việc bằng những bài học từ cuộc hành trình chống chọi với ung thư của bản thân. “Tôi hoàn toàn có thể hiểu được cảm xúc và nhu cầu của bệnh nhân, cả về thể chất lẫn tinh thần, vì thực tế tôi cũng đã từng là bệnh nhân”, Lo chia sẻ. “Tôi coi đây là một điểm cộng trong quá trình đào tạo để trở thành một bác tận tâm”.

Hàng ngày, bác Angeline Lo không chỉ chữa trị bệnh cho mọi người mà còn làm nhiều hơn thế. Cho dù bận rộn thế nào, cô luôn dành thời gian chia sẻ với bệnh nhân và người chăm sóc họ. Bác sĩ luôn tận tình giải thích việc điều trị và liệu trình như thế nào để giúp bệnh nhân yên tâm và sống lạc quan hơn. “Chữa lành trái tim là một phần thiết yếu trong việc quản lý bệnh nhân”, đây là điều cô luôn tâm niệm.