Nhiều năm trước cô gái phẫu thuật thẩm mỹ nhiều bộ phận trên gương mặt, trong đó có tiêm filler độn cẳm. Gần đây cằm không còn nguyên dạng như lúc mới tiêm, xuất hiện tình trạng sắc da đỏ, sờ thấy các khối cục lớn nhỏ lổn nhổn dưới vùng da cằm. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị biến dạng cằm do tiêm chất làm đầy không rõ loại nào, chỉ định phẫu thuật nạo vét filler.
Theo bác sĩ thẩm mỹ Nguyễn Vũ Phương Ngọc, nguyên giảng viên khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP HCM, bệnh nhân cần nạo và xử lý biến chứng nhiều lần mới giải quyết triệt để lượng chất làm đầy trong cằm. Rất may, cằm của bệnh nhân chưa bị nhiễm trùng, không hoại tử và tổn thương mô nghiêm trọng.
Tiêm filler (còn gọi chất làm đầy) là một thủ thuật thẩm mỹ rất nhẹ nhàng và an toàn nếu thực hiện đúng kỹ thuật, chất lượng filler đảm bảo, sử dụng đúng chỉ định và không lạm dụng. Bác sĩ Ngọc cho biết, filler giả trôi nổi trên thị trường rất nhiều, giá rẻ song gây nhiều biến chứng cho người dùng. Điều trị biến chứng do tiêm filler rất khó khăn. Sau điều trị, khả năng phục hồi như ban đầu hay không thì tùy vào loại filler đã dùng, kỹ thuật tiêm, lượng nhiều hay ít, phát hiện sớm hay muộn, có nhiễm trùng hay không.
Bác sĩ Ngọc khuyến cáo người muốn làm đẹp bằng phương pháp thẩm mỹ nên cân nhắc và lựa chọn nơi thực hiện thủ thuật uy tín để hạn chế biến chứng.