Home » Khỏe và đẹp » Cô giáo ung thư giai đoạn cuối hoãn điều trị để con chào đời an toàn

Cô giáo ung thư giai đoạn cuối hoãn điều trị để con chào đời an toàn

co-giao-ung-thu-giai-doan-cuoi-hoan-dieu-tri-de-con-chao-doi-an-toan

Cô Dung xúc động khi lần đầu tiên được trông thấy con trai. Ảnh: TT.

Cô giáo 30 tuổi quê ở Gia Lai gương mặt hốc hác, giọng nói yếu ớt, lập gia đình gần một năm, từ khi mang thai liên tục nôn ói và sụt cân gần 3 kg. Nghĩ đây chỉ là triệu chứng ốm nghén thông thường nên cô chủ quan không đi khám. Đến tuần thứ 27 của thai kỳ, tình trạng nôn ói không thuyên giảm, cơ thể cô giáo gầy rộc, cân nặng giảm từ 48 kg xuống 35 kg chỉ còn da bọc xương.

Cô Dung là giáo viên tiểu học còn chồng làm nông, thu nhập hàng tháng chỉ đủ chi tiêu trong gia đình. Khi thể trạng ngày càng suy kiệt, ăn gì cũng ói, cô đến bệnh viện trong tỉnh khám, bác sĩ chẩn đoán suy nhược cơ thể, đề nghị bổ sung dinh dưỡng. Tuy nhiên tình trạng của Dung không cải thiện mà ngày càng nặng hơn nên xuống bệnh viện ở TP HCM để kiểm tra sức khỏe.

Vào Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, kết quả nội soi dạ dày cho thấy thai phụ bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Khối u xâm nhiễm khắp dạ dày gây tắc hẹp toàn bộ môn vị, là nguyên nhân khiến bệnh nhân không ăn uống được mà liên tục ói ra máu. Cầm trong tay kết quả chẩn đoán, cô giáo ứa nước mắt một phần vì sợ bệnh một phần vì thương đứa con tội nghiệp chưa chào đời. 

Ung thư tiến triển nặng hơn khiến Dung không thể ăn ngủ, tình trạng nôn ói nặng hơn, thể trạng suy kiệt. Người chồng kể: “Vợ tôi khóc suốt, nhiều lần cô ấy muốn tự tử nên phải có người canh trực ngày đêm, may có các y bác sĩ, điều dưỡng luôn thăm hỏi, động viên”.

Nhận định đây là ca bệnh phức tạp, các bác sĩ Ngoại Tiêu hóa đã tổ chức hội chẩn với liên khoa Dinh dưỡng, Hóa trị ung thư, Phụ sản và Nhi nhằm tìm ra giải pháp tối ưu chữa trị cho bệnh nhân mà không ảnh hưởng đến thai nhi. Bác sĩ Võ Duy Long, Phó khoa Ngoại Tiêu hóa, cho biết bệnh nhân bị ung thư di căn đến nhiều cơ quan trong ổ bụng, phương án điều trị tối ưu là cắt toàn bộ dạ dày, sau đó hóa xạ trị để tiêu diệt các tế bào ung thư còn lại. Dù vậy tiên lượng khá dè dặt. Theo nguyện vọng của bệnh nhân và gia đình, các bác sĩ thống nhất hoãn điều trị ung thư một thời gian để chờ cho thai nhi phát triển khỏe mạnh hơn rồi mới tiến hành mổ bắt con kết hợp cắt dạ dày toàn phần. 

Suốt thời gian đó, thai phụ được điều trị nội khoa và truyền máu, dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch để nâng đỡ thai, truyền chất hỗ trợ trưởng thành phổi sớm cho thai nhi. Gần đây, khi thai nhi được 31 tuần tuổi, sản phụ bị xuất huyết nhiều, các bác sĩ không thể trì hoãn được nữa nên tiến hành mổ bắt con,  rồi cắt dạ dày và nối thực quản cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật, sức khỏe cô Dung hồi phục tốt, có thể ăn uống bình thường song cần phải nằm viện để theo dõi và chuyển tiếp sang hóa xạ trị ung thư.

Con trai đầu lòng của cô Dung nặng 1,5 kg, sức khỏe yếu nên được chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng 2 theo chế độ chăm sóc sơ sinh đặc biệt. Theo nguyện vọng của cô giáo, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM đã tạo điều kiện đưa cô đến Bệnh viện Nhi để thăm con. Ôm sinh linh bé bỏng trong tay, bà mẹ trẻ rưng rưng nước mắt: “Bây giờ tôi không muốn chết nữa, chỉ mong được khỏe mạnh để chăm sóc con và nhìn thấy bé khôn lớn”.

Bác sĩ Lê Thị Kiều Dung, Trưởng khoa Phụ sản cho biết sắp tới cô Dung phải đối diện với nhiều khó khăn khi vừa điều trị ung thư vừa chăm sóc con trai thiếu tháng, trong khi kinh tế gia đình rất khó khăn. Dù tiên lượng còn khá dè dặt song các bác sĩ hy vọng tình thương yêu dành cho con trai là động lực giúp cô Dung phấn chấn tinh thần và lạc quan hơn để chiến thắng ung thư.

Bác sĩ Dung cũng khuyến cáo phụ nữ mang thai nên tầm soát định kỳ, đặc biệt khi thấy những dấu hiệu lạ như sụt cân, nôn ói dù đã qua 3 tháng nghén đầu thai kỳ thì nên nghĩ đến khả năng mắc một bệnh lý nào đó. Khi ấy, nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.