Ác mộng có thể mang nhiều nội dung khác nhau song tất cả đều khiến người mơ cảm thấy sợ hãi, ghê tởm, căng thẳng và ảnh hưởng đến sức khỏe.
“Gặp ác mộng nhiều lần, ví dụ hàng đêm, dẫn tới stress và mất ngủ”, Michael Nadorff, trợ lý giáo sư tâm lý từ Đại học Mississipi kiêm giám đốc phòng nghiên cứu Giấc ngủ, Tự sát và Lão hóa nói với TIME. Do mất ngủ kéo dài, con người đối mặt với hàng loạt rối loạn về thể chất và tinh thần, bao gồm trầm cảm và bệnh tim mạch. Thế nhưng, không phải lúc nào ác mộng cũng gây hại.
Ảnh: mamaonica. |
Theo Tore Nielsen, giáo sư tâm thần học tại Đại học Montreal (Canada), ác mộng giúp người mơ cải thiện tình trạng lo âu và học cách quản lý stress tốt hơn. Ông cho biết: “Từ thời Freud, chúng ta đã biết rằng những mối bận tâm sẽ được phản ánh trong giấc mơ”. Do đó, phân tích ác mộng với một nhà trị liệu sẽ tiết lộ mối liên hệ của nó với thực tế để hiểu hơn về cảm xúc cũng như nỗi sợ.
Ngoài việc cung cấp những thông tin trên, ác mộng còn đóng vai trò như liệu pháp phơi nhiễm, tiêu chuẩn vàng để điều trị nhiều chứng sợ hãi cũng như các vấn đề liên quan đến rối loạn stress sau sang chấn. Ví dụ, nếu ai đó sợ chó, liệu pháp phơi nhiễm sẽ yêu cầu anh ta dành thời gian trong phòng với nhà tư vấn và một con chó. Bằng cách đối mặt với nỗi sợ hãi giữa môi trường an toàn, người này nhận ra cách kiểm soát nỗi sợ. Tương tự, ác mộng cho phép chúng ta hồi tưởng lại sự việc và vượt qua nó.
Tất nhiên, trường hợp mơ ác mộng quá thường xuyên và tác động tiêu cực đến cuộc sống, bạn nên tìm đến sự trợ giúp của các chuyên gia y tế. Ông Nadorff đưa ra hai cách can thiệp. Thứ nhất là thuốc huyết áp prazosin có tác dụng “làm dịu phản ứng stress của cơ thể” nhưng dễ khiến ác mộng trở lại nếu ngừng sử dụng. Phương pháp thứ hai là liệu pháp diễn tập hình ảnh: bệnh nhân kể lại giấc mơ rồi thay đổi nội dung sao cho bớt sợ hãi rồi cố gắng mơ lại theo nội dung mới.
Bên cạnh đó, người hay mơ ác mộng nên tự tự đào sâu tìm hiểu bản thân. Nhận thức rõ những nỗi sợ hãi sẽ giúp ác mộng giảm dần.