Home » Khỏe và đẹp » Con dễ đột tử nếu mẹ bị tiểu đường trong thai kỳ

Con dễ đột tử nếu mẹ bị tiểu đường trong thai kỳ

Phó giáo sư Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng Khoa Sản Bệnh Bệnh viện Hùng Vương cho biết việc tầm soát đái tháo đường được thực hiện khi mang thai 24-28 tuần. Trong khoảng 13.000 ca khám bệnh mỗi tháng tại viện, 10% chỉ định xét nghiệm đường huyết, trung bình có tháng đến 30-50% bà bầu dương tính với tiểu đường thai kỳ.

Thai phụ được bác sĩ lấy mẫu máu xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ. Ảnh: T.N

Thai phụ được lấy mẫu máu xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ. Ảnh: T.N

Theo phó giáo sư Khánh Trang, đái tháo đường thai kỳ là một rối loạn chuyển hóa thường gặp và có khuynh hướng tăng nhanh. Nếu không kiểm soát tốt có thể làm tăng bệnh suất và tỷ lệ tử vong ở cả thai phụ lẫn thai nhi. Bệnh làm tăng tỷ lệ sinh mổ do con to, tiền sản giật và sản giật, băng huyết sau sinh… Trẻ có nguy cơ sinh non, chấn thương sản khoa như kẹt vai, gãy xương đòn do con to hay thai suy trong chuyển dạ, suy hô hấp sau sinh, đột tử thai nhi…

Thông thường trong khoảng 100 thai phụ đái tháo đường thai kỳ, có khoảng 8 người phải tiếp tục theo dõi nguy cơ đái tháo đường type 2 sau khi sinh. Nếu không quản lý tốt trong thai kỳ, con số này có thể tăng đến 50-60%. Người có bố mẹ đái tháo đường sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh trong thai kỳ gấp 4-5 lần. Bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ thì 50-60% em bé bị đái tháo đường sau này. 

Tại Bệnh viện Hùng Vương, đơn vị quản lý đái tháo đường thai kỳ được thành lập từ tháng 4/2016 giúp thai phụ bị bệnh được điều trị hiệu quả tại một nơi thay vì đến 2 viện như trước. Tiến sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện cho biết đây là đơn vị khép kín vừa theo dõi thai vừa điều trị nội tiết đầu tiên tại TP HCM. Trước đây các bệnh viện sản khi chẩn đoán bà bầu đái tháo đường thì sẽ chuyển qua bác sĩ nội tiết theo dõi. Thai phụ phải vừa khám thai, vừa kiểm soát đái tháo đường tại hai nơi gây tốn kém thời gian, tiền bạc.

Việc điều trị được thực hiện ngay sau khi tầm soát phát hiện, bao gồm tiết chế dinh dưỡng, vận động hợp lý. Hiện các bác sĩ đã xây dựng được khẩu phần ăn với những món ăn Việt giúp bệnh nhân dễ tuân thủ. Chế độ ăn tiết chế gồm ăn đúng giờ, nhiều bữa cách nhau 3-4 giờ, không bỏ bữa, ít tinh bột, giàu chất xơ. Nên ăn rau xanh đậm, các loại đậu, khoai tây, cà rốt, khoai lang, bông cải xanh, bí, yến mạch, nấm, cá… Tập thể dục như đi bộ, bơi lội, yoga nhẹ nhàng tối thiểu 3 lần một tuần, mỗi lần 15 phút. Khoảng 10-20% bệnh nhân không đáp ứng chế độ dinh dưỡng tiết chế tại nhà phải nhập viện điều trị.

Lê Phương