Bác sĩ Phạm Gia Thế, Phó Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Quận 2 cho biết, chiều 21/8 bệnh nhân được hai người dìu vào viện cấp cứu. Bệnh nhân có 6 vết thương ở ngực phải, ngực trái và mông, mất nhiều máu, tỉnh táo nhưng tím tái, tụt huyết áp, sinh hiệu yếu.
Bệnh nhân đang được bác sĩ xử trí các vết thương thì nhóm 3 thanh niên xông vào xô xát với hai người đưa người bệnh nhập viện, một nạn nhân bị chảy máu mũi. Phòng cấp cứu ầm ĩ tiếng la hét. Ê kíp trực cấp cứu đã nhờ lực lượng bảo vệ đến can thiệp, báo sự việc cho lãnh đạo bệnh viện và công an. Nạn nhân bị chảy máu mũi không hợp tác, dọa đánh bác sĩ khi được sơ cứu vết thương. “Sau khi được khuyên giải, công an xuất hiện, bệnh nhân mới chịu khâu vết thương”, bác sĩ Thế chia sẻ.
Tiếp tục cấp cứu cho bệnh nhân bị đâm (vào viện đầu tiên), bác sĩ ghi nhận người này tràn dịch màng phổi phải. Sau khi điều trị ổn định, bệnh nhân được chụp CT kiểm tra và dự kiến xuất viện ngày 24/8. Bệnh nhân cho biết đang ngồi trong tiệm hớt tóc thì bị nhóm thanh niên không quen bất ngờ kéo đến hỏi “có dọa đánh anh tao không” rồi đâm tới tấp.
Bệnh nhân bị đâm đang ổn định sức khỏe. Ảnh: T.P. |
Theo bác sĩ Thế, nhiều lần nhân viên y tế của viện bị bệnh nhân và thân nhân đánh, đập phá. Một tháng trước, một bệnh nhân say xỉn mang hung khí rượt đánh một bác sĩ bị thương ở má vì “muốn ngồi mà bác sĩ yêu cầu nằm để khâu vết thương”. Có lần hai phụ nữ đội nón bảo hiểm trùm mặt xông vào phòng cấp cứu đánh ghen khiến một nữ bệnh nhân phải cầm ống truyền dịch bỏ chạy.
Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2 cho biết, bệnh viện đã thường xuyên tập huấn cho đội bảo vệ cách xử lý các sự cố bất ngờ, trang bị các công cụ giữ an ninh để khống chế những trường hợp quá khích. Nhiều người do mâu thuẫn trước khi vào viện nên kéo vào gây rối loạn trật tự. Bệnh viện cũng phối hợp với cơ quan chức năng để đảm bảo an ninh, tuy nhiên thường các sự việc xảy ra chớp nhoáng, khi lực lượng an ninh đến nơi thì việc đã xong.
Theo bác sĩ Khanh, tình trạng bệnh nhân mất bình tĩnh, chửi bới y bác sĩ diễn ra rất thường xuyên. Nhân viên y tế phải biết cách kiềm chế, giải thích cặn kẽ mọi vấn đề cho bệnh nhân. Đặc biệt khi nhiều ca bệnh vào cấp cứu cùng lúc, kíp trực cần phân loại kỹ ưu tiên cứu người bệnh nặng nhưng phải giải quyết hài hòa để không gây bức xúc. “Kíp trực nếu không điều tiết cảm xúc được thì phải nhờ người khác vào giải quyết tình huống ngay. Trong khi cấp cứu bệnh nhân, bác sĩ cũng không được phép làm việc riêng gây khó chịu cho người nhà”, bác sĩ Khanh nói.