Mừng thọ 101 tuổi đúng dịp Tết, sức khỏe của cụ vẫn rất tốt. Ông cho biết đây là lần đầu tiên phải đi viện. “Trước khi ốm, tôi vẫn đi làm nương vì ngồi yên không chịu được”, cụ ông nói.
Cụ ông vừa được các bác sĩ phẫu thuật lấy sỏi ống mật chủ bằng phương pháp tán sỏi ngược dòng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân không còn đau bụng, ăn được, hết nôn, tình trạng sức khỏe ổn định.
Cụ ông 101 đang được thăm khám sức khỏe. Ảnh: L.N. |
Theo các bác sĩ, sỏi ống mật có thể gây tắc nghẽn đường mật. Kích thước sỏi ống mật chủ càng lớn càng gây ra các biến chứng nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vì vậy khi có các biểu hiện như đau nhói bụng, mệt mỏi, chán ăn… cần đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe.
Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, mọi người cần có chế độ ăn uống và luyện tập thể thao hợp lý. Người bệnh cần ăn uống điều độ, ăn đúng bữa, đủ bữa. Đặc biệt không nhịn ăn sáng để mật được tiết ra liên tục, không gây lắng đọng tạo thành sỏi. Hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo, cholesterol (một trong những nguyên nhân hình thành sỏi mật), đồng thời tăng cường rau xanh, quả tươi, chất xơ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn và phòng ngừa táo bón. Các thực phẩm cần đảm bảo vệ sinh, ăn chín uống sôi và định kỳ tẩy giun 6 tháng một lần.
Người bệnh nên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, ít nhất 30 phút mỗi ngày để tăng hoạt động cơ, tăng nhu động mật, tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa, giảm sự ứ trệ dịch mật. Bên cạnh đó tập luyện còn giúp tăng sức đề kháng, miễn dịch của cơ thể và nâng cao sức khỏe toàn trạng.