Home » Khỏe và đẹp » Cuộc đời gây tranh cãi của cha đẻ kỹ thuật xử lý hóc dị vật

Cuộc đời gây tranh cãi của cha đẻ kỹ thuật xử lý hóc dị vật

Henry Judah Heimlich sinh ngày 3/2/1920 tại Wilmington (Mỹ). Theo USA Today, ngay từ khi còn trẻ, Heimlich đã mong trở thành bác sĩ, “một ai đó chăm sóc cho người khác” để tiếp bước truyền thống gia đình. Tốt nghiệp Đại học Y Cornell năm 1943, Heimlich gia nhập hải quân. Ông tình nguyện đến Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ cùng 5 thủy thủ và sáu lính thủy đánh bộ khác. 

Tại sa mạc Gobi vùng Nội Mông, Heimlich chăm sóc dân thường cùng binh lính Trung Quốc. “Đêm nọ, một người lính Trung Quốc được đưa đến chỗ tôi với vết thương trên ngực”, ông hồi tưởng. “Anh ấy đã chết trên tay tôi dù được phẫu thuật. Đến ngày hôm sau, tôi vẫn cảm thấy kinh khủng”.

Hy vọng sẽ giải tỏa tinh thần, Heimlich ra ngoài cưỡi ngựa. Vị bác sĩ hải quân trẻ tuổi hướng đến thị trấn gần đó và đi ngang qua một chiếc xe bò. “Chiếc xe ấy chở đầy hài cốt lính Trung Quốc”, Heimlich rùng mình nhớ lại. “Tôi không bao giờ quên được cảnh tượng ấy. Tôi không bao giờ quên được người lính đã chết trên tay mình”. Ông băn khoăn liệu mình có thể làm được hơn thế không và tự trách bản thân rằng nếu biết nhiều hơn về thoát dịch ngực, anh lính Trung Quốc đã sống sót.

cuoc-doi-gay-tranh-cai-cua-cha-de-ky-thuat-xu-ly-hoc-di-vat

Bác sĩ Henry Heimlich. Ảnh: henryheimlich.com.

Năm 1962, 17 năm sau cái chết của người lính nọ, Heimlich sáng chế ra ống dẫn lưu một chiều hay còn gọi là van Heimlich từ một mảnh ống mua từ cửa hàng tạp hóa. Dùng để thoát dịch từ vết thương ngực, thiết bị này tỏ ra vô cùng hiệu quả và được sử dụng rộng rãi thời kỳ chiến tranh Việt Nam, nhờ vậy giúp hàng nghìn lính Mỹ bị thương giữ được mạng sống. Đến năm 1989, doanh số bán ra mỗi năm của van Heimlich là 250.000 chiếc. Ngày nay, sản phẩm này vẫn được dùng ngoài chiến trường hoặc tại các bệnh viện. 

Năm 1969, bác sĩ Heimlich trở thành giám đốc phẫu thuật Bệnh viện Do Thái tại Cincinnati. Ông bắt tay vào nghiên cứu kỹ thuật xử lý hóc dị vật mà sau này cứu hàng triệu bệnh nhân. Dựa trên nguyên tắc tác động mạnh, đột ngột vào hai buồng phổi, thủ thuật đặt theo tên vị bác sĩ được thực hiện bằng cách vỗ từ lưng hoặc ép vào cơ hoành, gây áp lực lên đường hô hấp nhằm đẩy dị vật ra ngoài. 

Trong một buổi nói chuyện với các học sinh 11-12 tại trường Bethany tháng 4/2012, Heimlich chia sẻ hàng loạt trường hợp mắc nghẹn tại các nhà hàng được ghi nhận vào năm 1972 đã thúc đẩy ông sáng tạo ra kỹ thuật xử lý hóc dị vật. “Đáng tiếc, rất nhiều người đã chết”, vị bác sĩ kể. 

Tin rằng tai nạn trên có thể phòng tránh, Heimlich thử nghiệm đưa một chiếc ống vào cổ họng chó. “Chúng tôi không hề làm đau con vật”, ông trấn an các học sinh. Tiếp đến, một trợ lý đưa thịt cho chó ăn. Ngay lập tức, miếng thịt kẹt lại ống khiến con vật mắc nghẹn. Heimlich nắm bàn tay, ép dạ dày chó rồi xốc lên. Con vật khạc ra mẩu thịt và thủ thuật Heimlich ra đời. 

Năm 2003, trợ lý cũ của Heimlich là Edward A. Patrick tuyên bố mình là đồng tác giả của kỹ thuật xử lý hóc dị vật. Tuy nhiên, Edward qua đời vào năm 2009 và đến nay thủ thuật vẫn chỉ mang tên Heimlich.

Theo dữ liệu của Viện Heimlich ở Cincinnati, từ khi được chính thức công nhận vào năm 1974, thủ thuật Heimlich đã cứu sống hơn 100.000 bệnh nhân bị hóc dị vật tại Mỹ. “Điều tuyệt vời nhất ở phương pháp này là nó cho phép bất cứ ai cứu sống người khác”, cha đẻ phương pháp này tự hào.

cuoc-doi-gay-tranh-cai-cua-cha-de-ky-thuat-xu-ly-hoc-di-vat-1

Bác sĩ Heimlich (sau) biểu diễn kỹ thuật xử lý hóc dị vật năm 1979. Ảnh: theweeklings.com.

Đầu thập kỷ 1980, bác sĩ Heimlich bị chỉ trích do ủng hộ việc sử dụng liệu pháp gây sốt rét để chữa ung thư, bệnh Lyme và virus HIV. Ông lập luận cơn sốt rét kích thích hệ miễn dịch để chống lại các bệnh nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, phần lớn chuyên gia y tế và cơ quan chính phủ tin rằng phương pháp này quá nguy hiểm và hoàn toàn vô ích. Các nhóm hoạt động vì nhân quyền kịch liệt lên án những cuộc thử nghiệm chữa bệnh bằng liệu pháp gây sốt rét ở châu Phi và Trung Quốc.

Tương tự như vậy, việc Heimlich khẳng định kỹ thuật xử lý hóc dị vật có thể rửa sạch nước ở phổi bệnh nhân đuối nước, chữa trị hen suyễn, bệnh xơ nang, thậm chí cả nhồi máu cơ tim bị phê phán dữ dội. Hiệp hội Tim mạch Mỹ cảnh báo sử dụng thủ thuật Heimlich sẽ ảnh hưởng đến tính mạng nạn nhân đuối nước. Đáng chú ý, con trai Peter của Heimlich là một trong những người phê bình nặng nề nhất, thậm chí gọi cha là “kẻ lừa đảo suốt 50 năm”.

Ở tuổi 92, bác sĩ Heimlich hâm nóng lại cuộc chiến với Hội Chữ Thập Đỏ Mỹ. Ông phản đối khuyến cáo vỗ lưng nạn nhân bị hóc dị vật 5 cái rồi mới áp dụng thủ thuật Heimlich của tổ chức này. “Thật kinh hoàng”, vị bác sĩ nhấn mạnh. “Vỗ vào lưng khiến dị vật kẹt sâu hơn và dẫn tới tử vong. Chẳng có nghiên cứu nào chứng minh vỗ vào lưng giúp bệnh nhân hóc dị vật”.

Patrick Ward, một cộng sự của Heimlich cho rằng mâu thuẫn với Hội Chữ Thập Đỏ “thể hiện tinh thần, nhân cách” người thầy thuốc. Nếu thấy mình đúng, Heimlich sẽ không lùi bước tới khi buộc đối phương thừa nhận sai lầm. 

Vấp phải phản ứng tiêu cực, bác sĩ Heimlich vẫn phát triển các ý tưởng của mình thông qua sách báo, đặc biệt là tác phẩm “Hướng dẫn giải quyết các tình huống khẩn cấp tại nhà của bác sĩ Heimlich”, hồi ức “Thủ thuật Heimlich: 70 năm phát minh cứu người” cùng những bài phát biểu trên truyền hình. Năm 1980, series hoạt hình thiếu nhi “Bài học cấp cứu dành cho mọi người của bác sĩ Henry” thắng giải Emmy. Trả lời tờ Omni năm 1983, Heimlich nói: “Bằng 3 phút lên tivi, tôi cứu được nhiều người hơn cả đời đứng trong phòng mổ”.

cuoc-doi-gay-tranh-cai-cua-cha-de-ky-thuat-xu-ly-hoc-di-vat-2

Bác sĩ Heimlich trước khi qua đời. Ảnh: USA Today.

Nhờ kỹ thuật xử lý hóc dị vật, bác sĩ Heimlich được trao giải Albert Lasker. Được coi như “Nobel của Mỹ”, giải Albert Lasker nhằm tôn vinh những cá nhân “tạo ra bước tiến lớn về việc hiểu, chẩn đoán, điều trị, chữa trị và phòng chống bệnh tật ở con người”. Ngoài ra, tên tuổi ông còn được đưa vào các nhà tưởng niệm danh nhân.

Ngày 17/12, Heimlich qua đời do lên cơn đau tim, thọ 96 tuổi. Gia đình cho biết sẽ dành một khoảng thời gian cho bạn bè cùng người dân đến chào từ biệt vị bác sĩ đáng kính trước khi tiến hành an táng ông.

Minh Nguyên