Đang ăn trưa, bà ngoại của Hải An bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ gia đình người nhận ghép giác mạc của cháu gái bà, xin phép đến thăm nhà. Chẳng nuốt nổi miếng cơm còn lại trên bát, bà và con gái là chị Thùy Dương – mẹ Hải An vội vàng cất dọn mâm rồi ra đứng trước bàn thờ của bé An khóc. “An ơi, hôm nay mẹ được gặp con rồi”, chị Dương nhìn di ảnh của con nói.
Một giờ, rồi giờ trôi qua mà vẫn chưa thấy gia đình bên kia đến, chị Dương thấp thỏm đứng ngồi không yên. Thỉnh thoảng, người mẹ lại xem đồng hồ trên điện thoại. Trong lúc chờ đợi, chị tranh thủ sửa lại chiếc quạt để lát người nhà họ đến thắp hương cho An được thoải mái.
Chị Dương và mẹ xúc động khi gặp bệnh nhân nhận giác mạc của Hải An. Ảnh: Lê Nga. |
15h30, chiếc taxi chở hai bệnh nhân và gia đình họ đỗ ở đầu ngõ. Nghe tiếng xe, chị Dương vội chạy ra. Thấy bà cụ mắt đeo kính trắng, đi lại khó khăn, chị Dương đến dìu vào nhà. Nắm chặt lấy tay bà cụ dẫn bà vào ban thờ, chị Dương nói: “An đây bà ơi, bà có thấy được An không?”. Đi ngay sau là người đàn ông 42 tuổi đeo kính trắng, trông khỏe khoắn và tự đi lại dễ dàng. “An ơi, bà và bác đến thắp hương cho con này”, chị Dương vừa châm hương vừa nói.
Đứng trước bàn thờ bé An, bà cụ xúc động nói: “Nhờ cháu mà bà và bác mới có ánh sáng, bà đến đây để tạ ơn cháu và gia đình. Bà vô cùng biết ơn tấm lòng của cháu. Mong cháu phù hộ cho bà và bác được khỏe mạnh và sáng suốt”.
Thắp hương xong, Dương dìu bà cụ ngồi xuống giường. Chị khom lưng, cúi nhìn vào đôi mắt bà cụ. Chị không khóc mà cười hạnh phúc. Chị bảo đã thấy An trong đôi mắt của bà. Nửa tháng trời xa cách, hôm nay chị mới được nhìn thấy ánh mắt đáng yêu, ấm áp của con. Chị vui và hạnh phúc.
Một lúc sau, bà ngoại An bước vào phòng. Thấy bà cụ, mắt bà ngoại ướt nhòe. Bà ngoại vội vàng chạy đến, tay run run nắm đôi bàn tay bà cụ và nói “Chúc mừng bà, mong bà sớm nhìn thấy”. Trong cuộc trò chuyện, bà ngoại An không kìm được cảm xúc, không biết bao nhiêu lần bà lấy tay gạt đi nước mắt.
Vốn là bác sĩ, chị Dương soi đèn để kiểm tra mắt cho hai người mang giác mạc con mình. Chị ân cần hỏi “bác có còn nhức mắt không”, “bác có thấy rõ không” và dặn dò hai người nhớ phải dùng thuốc đúng giờ, tuân thủ theo yêu cầu của bác sĩ.
Chị Dương xem lại mắt cho người nhận giác mạc của con gái. Ảnh: Lê Nga. |
Người đàn ông cho biết anh bị đục giác mạc di truyền, không nhìn rõ 8 năm qua. Anh đã điều trị và chờ giác mạc hiến để ghép suốt 5 năm qua. Trước khi đến viện, anh đã biết chuyện của Hải An nhưng không ngờ mình chính là người được nhận giác mạc của bé. “Khi bác sĩ thông báo người hiến giác mạc, tôi quá bất ngờ và vô cùng xúc động”, anh nói.
Trong 1.000 hồ sơ chờ ghép giác mạc tại Bệnh viện Mắt Trung ương, các bác sĩ của bệnh viện đã hội chẩn kỹ càng chọn ra hai bệnh nhân có đủ điều kiện và có các chỉ số tương thích cao nhất với giác mạc của bé Hải An. Anh được ghép giác mạc bên trái còn bà cụ được ghép bên phải. Sau ca ghép, mắt của hai bệnh nhân đã có phản ứng tốt.
“Hôm trước ghép thì hôm sau bác sĩ mở băng mắt ra. Lúc mở mắt ra, tôi nhìn thấy ngay dù hơi lóa. Tôi như được sinh ra một lần nữa, sau bao năm sống trong bóng tối mờ ảo”, người đàn ông xúc động nói. Anh cũng cho biết sẽ cố gắng giữ gìn đôi mắt. Anh nói: “Sau này chết đi, tôi sẵn sàng hiến lại giác mạc của Hải An cho người khác để đôi mắt ấy còn mãi”.
Người nhà của hai bệnh nhân cho biết, sau khi làm thủ tục ra viện, gia đình đã sắp xếp đến nhà Hải An để thắp hương và cảm ơn ngay. Họ vô cùng biết ơn tấm lòng cao cả của An và gia đình. Họ sẽ giữ liên lạc và thăm An thường xuyên.
Lúc chia tay, chị Dương bịn rịn đến bên bà cụ nói: “Bà cho phép con được xuống thăm bà thường xuyên nhé”. Tay trong tay, chị Dương tiễn bà ra tận đầu ngõ. Chị không quên chụp một bức ảnh với nam bệnh nhân để mỗi lần nhìn vào đôi mắt anh, chị sẽ thấy An vẫn đang bên cạnh mình. Chiếc xe chạy khuất, chị Dương đến ban thờ mỉm cười với con.