Home » Khỏe và đẹp » Dân rốn lũ Hà Nội đối phó nhiều dịch bệnh sau khi nước rút

Dân rốn lũ Hà Nội đối phó nhiều dịch bệnh sau khi nước rút

Sau một tuần vỡ bờ bao ở vùng ven Hà Nội khiến nước lũ tràn ngập huyện Chương Mỹ, hiện nước đã bắt đầu rút. Người dân bắt tay vào dọn rửa nhà cửa, phun xịt thuốc vệ sinh phòng dịch bệnh. Có những khu vực nước đã rút, có khu vực chưa, nên công tác dọn dẹp phải làm cuốn chiếu. 

Những ngày này, về xã Nam Phương Tiến là nơi ngập nhất ở Chương Mỹ, đi đâu cũng bắt gặp cảnh người dân dùng thuyền di chuyển trên đường bê tông, đun nấu trên gác xép, gà lợn ngủ cùng chủ, sống trong bóng tối… Khi nước đã dần rút, có điện trở lại, các cụ già và phụ nữ bắt đầu quét dọn nhà cửa, các ông chồng thì đi nhận mì tôm, nước uống. Cuộc sống của họ hoàn toàn đảo lộn. 

Sáng 19/10, vợ chồng ông Nguyễn Hữu Tiệp ở thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến, rời nhà em gái về nhà dọn dẹp. Một tuần qua, vợ chồng ông Tiệp cùng các con vật nuôi đã phải di cư lên nhà em gái ở nhờ. 

Mới về đến đầu thôn, con đường nhỏ dẫn lỗi về nhà ông bà Tiệp vẫn bị ngập đến ngang đùi. Ông Tiệp lội trước kiếm một cái thuyền rồi kéo vợ băng qua. “Không biết nhà cửa thế nào”, lòng nặng trĩu, ông Tiệp nói với vợ. Nước đã rút khỏi nền nhà nhưng chuồng trại và sân vẫn ngập đến đầu gối. Ông bà bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa. Việc đầu tiên ông Tiệp làm là lau lại chiếc ban thờ sạch sẽ, sau đó đi lấy bát hương gia tiên mà trước đó ông phải giấu tận trên chiếc tủ cao kê chạm nóc nhà để tránh lũ cuốn. 

dan-thu-do-vat-va-don-dep-chan-dich-benh-sau-lu

Ông Tiệp dọn nhà sau cơn lũ. Ảnh: Lê Nga.

Hai vợ chồng ông Tiệp mất một ngày để quét dọn nhà cửa, chuồng trại… bởi rác rưới theo lũ đọng ở khắp nhà. Giếng nước nhà ông cũng bị lũ nhấn chìm. Lá cây, rơm rác nổi lềnh phềnh ở miệng giếng. “Nước này không ăn được nữa, đợi nước rút hẳn mới xử lý được”, ông Tiệp cúi đầu dọn nhặt từng mảnh rác nói.

Nước rút khỏi nhà nhưng vẫn ngập khắp ngõ, chị Nguyễn Thị Linh, thôn Tân Tiến, xã Nam Phương Tiến chỉ biết ngồi trong nhà trông ra. Chân tay chị mẩn đỏ, sần sùi, trầy xước. “Bị nước ăn tay chân đó, ngứa lắm”, chị Linh vừa gãi vừa nói. Người phụ nữ vẫn còn nuối tiếc đàn gà, đàn lợn bị nước lũ cuốn trôi một tuần trước. Chị còn nhớ như in, bảy ngày trước, lũ đến bất ngờ khiến gia đình chị không xoay sở kịp. Vợ chồng chị phải cởi quần áo, hụp xuống nước để mò gà mò lợn nhưng cũng chẳng cứu sống được là bao. “Nước cuốn gần hết đàn gà, những con còn lại thì cho vào nhà sống chung với chủ. Người ngủ trên giường, gà, lợn ngủ tạm dưới gầm”, chị Linh chia sẻ.

Chị Linh nói, cũng chính vì bơi trong dòng nước bẩn mà chị bị ngứa hết người. Suốt một tuần trời, vợ chồng chị cùng hai đứa con chỉ cầm hơi bằng một bình nước lọc 20 lít và một thùng mì tôm. “Nước không có ăn, lấy đâu ra nước tắm rửa. Người ngứa thì gãi chảy máu cũng đành chịu”, chị Linh kể lại. Hai hôm nay, nước rút đáng kể, có điện trở lại, chị mới có thể sang hàng xóm xin nước sạch về ăn uống, vệ sinh. 

“Khổ hơn cả thời bao cấp”, đó là tất cả những gì bà Trần Thị Liễu nói về xã nhỏ của mình chịu đựng suốt một tuần qua. Nhà bà Liễu ở chỗ trũng nhất trong làng. Nước ngập đến tận giường. Nước ngập đến đâu, bà lại kê cao thêm giường để ngủ. Nước ngập quá sâu khiến gia đình bà không thể đi xin nước sinh hoạt. Ăn hết một thùng mì tôm và bình nước 20 lít được xã chu cấp, gia đình bà phải uống nước giếng của nhà dù giếng đã bị ngập thỏm dưới nước lũ.

“Tôi vẫn đun nước giếng lên uống, không có nước sinh hoạt thì làm thế nào”, bà Liễu nói. Đứa cháu bà Liễu do uống nước giếng bị nhiễm bẩn lâu ngày nên bị đau bụng tiêu chảy mấy ngày nay.

dan-thu-do-vat-va-don-dep-chan-dich-benh-sau-lu-1

Gia đình ông Đông dời đàn lợn vào sân. Ảnh: Lê Nga.

Nhà cửa ngổn sang chưa kịp dọn, mùi hôi tanh bao trùm cả ngôi nhà, chị Nguyễn Thị Mai đang chườm cho cậu con trai 15 tuổi bị sốt nằm trên giường. Cháu Nguyễn Trường An đã bị sốt hai hôm nay. Nhà có mỗi hai mẹ con, nước vây quanh khắp ngõ chị không đưa con đi viện khám được. Khi nước vừa rút chị mới chạy lên trạm y tế xã mua vài viên thuốc hạ sốt cho con. “Chắc mấy hôm trước, cháu lấy phao ra sân tắm, bơi nên bị ốm”, người mẹ nói.

Từ lúc nước về, anh Nguyễn Bá Thắng, công an viên của xã được triệu tập lên ủy ban để tham gia phòng chống lũ. Chị Thu, vợ anh đã sắm trước cho anh chiếc quần mưa để chồng tiện công tác trong vùng lũ, song anh vẫn bị viêm, loét da khắp chân tay do thường xuyên tiếp xúc với nước bẩn. Chạy từ trạm y tế xã về, chị Thu vội đưa cho chồng lọ thuốc Methylen bôi ngứa, sau đó lại lập tức ra trạm để trực. Vừa cầm thuốc bôi khiến chân tay xanh lét, anh Thắng nói: “Mấy ngày nay vợ tôi bận rộn, phải trực ở trạm suốt. Bà con sau lũ hay bị viêm da, ngứa ngáy, đau mắt đỏ, sốt, cúm… nên ra trạm y tế khám, lấy thuốc”.

dan-thu-do-vat-va-don-dep-chan-dich-benh-sau-lu-2

Người dân rắc vôi bột để khử trùng sau lũ. Ảnh: Giang Huy.

Ông Phùng Văn Lê, Trạm Trưởng Y tế xã Nam Phương Tiến cho biết, từ lúc có tin lũ, Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã cung cấp thuốc để phòng ngừa bệnh dịch. Sau lũ, người dân thường bị các bệnh về da liễu, đau mắt đỏ, viêm giác mạc, cúm, sốt… Hiện trạm y tế đã có đầy đủ thuốc để phát cho người dân. Theo ông Lê, trong đợt lũ này rất may chưa có thiệt hại về người, ngoại trừ trường hợp ông Nguyễn Bá Thịnh 70 tuổi bị huyết áp cao có hiện tượng tai biến. Các cán bộ y tế đã phải chèo thuyền vào tận nhà để cấp cứu kịp thời cho ông.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến cho biết, trong đợt mưa lũ vừa qua, xã chịu thiệt hại nặng nhất huyện Chương Mỹ, có nơi nước ngập sâu đến 4 m. Rất nhiều nhà dân bị ngập hoàn toàn. Thiệt hại ban đầu về chăn nuôi ước tính khoảng 96.000 con vịt, gà; 5.500 con lợn chết.

Khi nước có dấu hiệu rút, xã mua 10 tấn vôi bột, thuốc phun cloramin để khử trùng, ngăn chặn dịch bệnh. Cán bộ xã đã phát vôi và thuốc cho từng hộ dân để rắc đường làng, ngõ xóm, cống rãnh, trang trại… “Ngoài việc phải đảm bảo cung cấp nước sạch phục vụ người dân vùng ngập lụt thì nước rút đến đâu vệ sinh môi trường, phun thuốc phòng dịch bệnh đến đấy, tránh xảy ra tình trạng phát sinh dịch bệnh sau lũ”, ông Vĩnh nói.

Thuyền mì tôm len lỏi ngõ xóm vùng vỡ đê bao Hà Nội

Lê Nga