Thoái hóa khớp là bệnh lý thường gặp trong các bệnh về khớp. Bệnh tăng theo tuổi tác, thời gian, tính chất nghề nghiệp. Trong đó, thoái hóa khớp gối là phổ biến nhất, bởi khớp gối là khớp chịu tải, chịu ảnh hưởng nhiều của tính chất công việc và các thói quen sinh hoạt. Tỷ lệ thoái hóa khớp gối chỉ khoảng 5% ở cả nam và nữ dưới 26 tuổi nhưng tăng nhanh ở lứa tuổi 27-45 (khoảng 20%); đặc biệt tuổi 46- 60 tỷ lệ này là 50%.
Giáo sư, tiến sĩ Trần Ngọc Ân, Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam cho biết, nhiều người nghĩ đi bộ càng nhiều càng tốt cho sức khỏe mà không biết đi bộ quá nhiều lại là một trong các nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp gối. Những hoạt động như thường xuyên nâng vật nặng, gấp gối, quỳ, đứng lâu (trên 2 giờ mỗi ngày), đi bộ trên 3 km mỗi ngày… có thể thúc đẩy thoái hóa khớp gối.
Đi bộ như thế nào cho đúng
Chung quan điểm này, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hội thấp khớp học Việt Nam cho rằng những người làm việc thể lực trực tiếp có thời gian lao động kéo dài hơn 8 giờ một ngày; công việc phải mang vác nhiều, đứng lâu nhiều giờ trong ngày; đi bộ quá nhiều, không đúng phương pháp… đều có nguy cơ bị thoái hóa khớp gối cao hơn người khác.
Khi bị thoái hóa khớp gối, người bệnh chịu những cơn đau rất khó chịu. Vì thế, các chuyên gia khuyên nên điều chỉnh chế độ lao động, sinh hoạt, tập luyện phù hợp để giảm nguy cơ thoái hóa khớp.
Đi bộ cần phù hợp độ tuổi, tình trạng sức khỏe, tính toán xem nên đi bao nhiêu một ngày là đủ. Người già 60-70 tuổi chỉ nên đi bộ 30-45 phút mỗi ngày. Người trẻ có thể đi bộ lâu hơn nhưng không nên quá 3 km mỗi ngày. Lưu ý lựa chọn giày chuyên dụng khi đi bộ, chạy. Trước khi đi bộ, cần có 5-10 phút khởi động để làm nóng các khớp. Với người lớn tuổi, đạp xe, bơi lội sẽ tốt hơn đi bộ, khớp không phải gánh sức nặng của toàn bộ cơ thể.
Nếu có các biểu hiện như đau khớp gối khi thay đổi tư thế, tiếng lục khục khi cử động khớp, cứng khớp, đau khớp gối, dáng đi khập khiễng… bạn nên đi khám.
Phương Trang